Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, quanh năm chỉ chạy ăn cũng đã đủ tối tăm mặt mày, chị Huê không có điều kiện đi học, cũng chẳng được mở mang đầu óc. Cả gia đình chị cứ u mê trong cái nghèo, cái đói như một vòng luẩn quẩn, bế tắc. Ở miền quê cát sỏi của chị, đến cái cây, ngọn cỏ mọc lên cũng cằn cỗi, khó nhọc, chứ đừng nói đến việc chăn nuôi, làm giàu.
Bởi vậy mà cái nghèo cứ bám riết từ đời này qua đời khác. Quanh chị toàn những kiếp nghèo lầm lũi nối nhau. Thế rồi cơ hội đổi đời đến với chị như một tia sáng cứu rỗi. Một ngày kia, có một người đàn bà ăn trắng mặc trơn đến gạ chị đi lấy chồng Hàn Quốc.
Chị Huê chẳng nhan sắc, nhưng trời phú cho mạnh khỏe, sức vóc nên chị cũng tham gia, thử vận may của mình. Ở quê chị, người ta hay nói: phận đàn bà 12 bến nước, lấy chồng như trò may rủi, chị muốn thử một lần, dù sao chị cũng chẳng có gì để mất.
Những ngày tháng mang thai đầy nhục nhằn (Ảnh minh họa) |
Đi xem mặt mấy lần, chị thấy đàn ông Hàn Quốc tới Việt Nam “tuyển” vợ hóa ra cũng chẳng đòi hỏi cao, hoặc giả là chị đã gặp may, vì người đàn ông chịu lấy chị làm vợ. Bởi họ chẳng đưa ra yêu cầu gì về nhan sắc, chỉ cần chị vẫn còn trong độ tuổi sinh đẻ là được. Vậy là chưa đầy 1 tháng sau, chị đã thấp thỏm theo chồng về nước.
Đám cưới ở quê nghèo không kèn không nhạc, lặng lẽ những người đến chúc tụng, không biết là nên vui hay nên buồn. Bố mẹ Huê được trả cho một số tiền, dù có nói hoa mỹ đến thế nào, thì họ cũng ngấm ngầm hiểu, đó là tiền “bán” con gái mình. Ngày con gái về nhà chồng, bố mẹ nào cũng khóc, nhưng những giọt nước mắt của bố mẹ Huê thì mặn chát, đắng đót biết chừng nào.
Sang xứ người, Huê không thông thạo tiếng nên rất ít khi ra ngoài. Nhà chồng cô cũng không thích Huê đi lung tung hay giao thiệp với người khác. Họ chăm sóc, tẩm bổ cho cô và lúc nào cũng nhắc tới chuyện có con, như thể cô chỉ có một nhiệm vụ là duy trì nòi giống cho họ.
Một mình Huê phải lo liệu mọi việc (Ảnh minh họa) |
Huê muốn làm một cô con dâu tốt, nên cô đã cố gắng tỏ ra rằng mình có thể hòa hợp với gia đình họ, cố quen với nếp sống và văn hóa của gia đình chồng. Nhưng dường như, những nỗ lực của cô không hề được đánh giá cao, hoặc họ chẳng mảy may quan tâm đến điều đó.
Suốt quá trình mang thai và sinh con, Huê bị nhà chồng giám sát chặt chẽ. Họ làm đủ mọi cách, chỉ để chắc chắn mình có cháu trai. Huê đã phải phá thai 2 lần sau khi biết đứa bé là con gái. Họ chỉ muốn có cháu trai. Huê rất đau đớn, cô đã van xin, khóc lóc nhưng vẫn không thể cưỡng lại được ý muốn của nhà chồng. Họ không hề đếm xỉa đến chuyện cô nghĩ gì.
Sau khi sinh được con trai, Huê những tưởng cuộc sống của mình sẽ thay đổi, đứa trẻ sẽ là cầu nối giúp cô gần gũi với chồng và gia đình chồng nhiều hơn, nhưng nào ngờ, bi kịch lúc này mới ập tới. Một người đàn bà đột ngột trở về, tự nhận là vợ chính thức của người mà cô vẫn coi là chồng mình.
Huê bị đuổi ra khỏi nhà, còn đứa con trở thành con của một người đàn bà khác (Ảnh minh họa) |
Cô ta thản nhiên ẵm bồng đứa bé và bảo rằng đó là con mình. Huê không thể làm gì được, vì người phụ nữ kia được cả gia đình nhà chồng ủng hộ, không một ai đứng về phía Huê, không ai đòi công bằng cho cô. Huê đã bị cướp mất con một cách trắng trợn.
Đứa bé được 2 tháng tuổi, nhà chồng đuổi Huê ra khỏi nhà, nhưng cô trở về nhiều lần để đòi con. Thấy vậy, họ bèn chuyển nhà đi nơi khác. Không thể làm gì được vì vốn tiếng ít ỏi, Huê nhờ những người chị em trong hội lấy chồng Hàn Quốc giúp đỡ, nhưng họ cũng không giúp được cô nhiều.
Điều đáng giá nhất họ có thể giúp được cô là quyên góp tiền mua một vé máy bay cho Huê về nước, mong cô sẽ quên đi đau khổ và làm lại cuộc đời.
Ngày bước xuống máy bay về quê hương, Huê vẫn khóc ròng, hai bầu ngực cô còn căng tức sữa…
Nguồn: Theo phunuonline
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.