Câu chuyện mà tôi sắp chia sẻ ra đây có thể nhiều người đã bắt gặp trong cuộc sống. Nhưng khi chính bản thân mình gặp phải thì tôi lại bế tắc hoàn toàn. Thật sự tôi không biết mình nên làm gì cho đúng.
Bố của tôi là một người sống rất chừng mực, ngay từ nhỏ tôi đã sống trong cảnh thiếu thốn tình thương của mẹ. Khi tôi mới được chưa đầy 3 tháng tuổi, mẹ tôi đã mất trong một vụ hỏa hoạn. Nhưng vì thương con nhỏ nên bố tôi quyết định sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Sau này lớn lên, nghe mọi người kể lại, bản thân tôi vẫn không thể nào hình dung ra hết những nỗi vất vả mà bố tôi đã phải chịu đựng để nuôi tôi. Những đêm tôi khóc đến lả đi vì đói, bố phải bế tôi trên tay chạy đi cầu cứu hết nhà này đến nhà khác để xin sữa. Cứ thế, tôi lớn lên trong tình thương và sự ban ơn của anh em xóm làng. Bây giờ hễ cứ nhìn thấy tôi, nhiều người vẫn hay đùa “cái thằng trông như dải khoai, suốt ngày đi ăn chực sữa mà giờ đã lớn tồng ngồng ra rồi. Làm bố của trẻ con rồi mày mới hiểu cái vất vả mà bố mày phải chịu đựng”.
Tôi bây giờ đã là một kiến trúc sư có nghề. Lập gia đình có vợ và 2 đứa con ngoan ngoãn. Cuộc sống đã đến lúc tôi có thể báo hiếu được cho bố. Là chỗ dựa vững chắc để bố tôi có thể nương tựa lúc tuổi già. Bao nhiêu năm qua, ông đã hy sinh vì tôi quá nhiều. Nếu không có sự hy sinh của ông, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ có được hào quang như ngày hôm nay. Bởi thế lúc nào trong tôi cũng khắc ghi một điều “tôi nợ ông cả cuộc đời này”.
Người đời vẫn thường nói, “con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Tôi cũng hiểu những thiệt thòi của bố, thật lòng cũng muốn tìm cho ông một tri kỷ để ông ông phần nào bớt cô đơn ở cái tuổi xế chiều. Nhưng hễ cứ lúc nào tôi đề cập đến vấn đề này ông lại gạt phắt đi. “Anh không phải lo cho bố, bố già nhưng chưa vẫn chưa đến nỗi để con cháu phải túc trực bên cạnh. Anh cứ an tâm công tác tốt”.
Thật lòng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ xem tuổi tác của bố là gánh nặng, và tôi cũng hiểu bố không có ẩn ý gì trong những câu nói ấy. Vậy nên dù có cố gắng gán ghép ông với bất cứ đối tượng nào ông cũng không lay chuyển quyết định của mình.
Tôi đi làm xa, thỉnh thoảng mới sắp xếp về quê được một lần, nhưng chỉ chớp nhoáng. Thời gian này, tôi hay tin bố đang qua lại với một người phụ nữ. Tôi mừng cho ông lắm. Trước đây tôi gán ghép thế nào ông cũng không chịu, vậy mà bây giờ ông đã tự nguyện đi tìm hạnh phúc cho mình. Một phần vì tò mò, phần vì cũng nôn nóng muốn bố tôi và người ấy nhanh về chung một nhà nên tôi quyết định về ngay sau khi nghe tin.
Trái với tưởng tượng của mình, tôi không có chút cảm tình nào với người phụ nữ ấy. Mang danh nghĩa mẹ kế tương lai nhưng người phụ nữ ấy có chỉ nhỉnh hơn tôi vài tuổi. Khuôn mặt đanh và thiếu thiện cảm. Tôi sợ một người vợ quá trẻ sẽ không hợp với tuổi của bố. Hơn nữa cái lý lịch của cô ta càng không thể chấp nhận được. Qua nhiều người kể lại, tôi biết đó là một người có quá khứ không đoan trang. Cô ta cặp với nhiều người đàn ông, đã có 3 đứa con nhưng chẳng đứa nào cùng cha.
Một người phụ nữ như thế liệu có thật lòng thật dạ muốn đến với bố tôi, hay họ còn có mục đích to lớn khác. Ở cái tuổi này, ông đáng được sống an nhàn, nhưng 3 đứa con nheo nhóc kia liệu có để cho ông ung dung hưởng thụ tuổi già không. Tôi không muốn để bố mình phải đánh cược với cuộc đời. Có rất nhiều người phụ nữ cùng chung cảnh ngộ với ông. Họ đã về nghỉ hưu, đều là người có học thức, sống có đạo lý. Tôi nghĩ, họ hợp với bố hơn là một người đàn bà đáng tuổi con mình lại thêm cái quá khứ không trong sạch.
Tôi biết tính của bố, ông đã quyết là sẽ làm đến cùng, mặc cho tôi có ngăn cản, phân tích đến đâu đi nữa nhưng ông vẫn trước sau không lay chuyển. “Từ ngày mẹ anh mất, bố không có ý định đi bước nữa. Nhưng đó là người phụ nữ làm bố thay đổi ý định. Hoàn cảnh họ đáng thương, và bố thật lòng muốn lo cho người ta. Người như bố thì còn gì mà mang quá khứ của người khác ra để kén chọn. Con người ai cũng có lỗi lầm cả, biết sai mà sửa đó mới là điều đáng quý”.
Những lời bố tôi phân tích cũng không phải là sai, nhưng sự ngờ vực của tôi cũng không phải là không có cơ sở. Thật sự, tôi cũng chỉ đưa ra nhận xét của mình trên phương diện một chiều đó là nghe người khác đồn đoán. Bản thân người ấy đối xử với bố tôi thế nào, chưa sống cùng nhà, chưa va chạm nên tôi cũng không thể kết luận. Vì thế, tôi vẫn nghĩ bố tôi quyết định có phần hơi mạo hiểm. Nếu người ta thật sự tốt, tôi cũng mừng cho ông đã tìm được một tri kỷ ở cái tuổi cuối đời. Nhưng nếu không, vất vả đau khổ sẽ ám ảnh ông cả đời. Liệu lúc đó, ông có đủ bản lĩnh để đẩy họ đi hay sẽ lại tặc lưỡi cam chịu vì nghĩ rằng đó là vì số phận an bài.
Phận làm con, tôi không thể quyết định thay chuyện đại sự của bậc cha mẹ. Tôi rất lo cho bố mình, càng không có một chút niềm tin nào ở người đàn bà kia. Liệu tôi có nên gặp riêng người ấy một lần để nói rõ ràng và ngăn cản họ đến với nhau. Nhưng liệu có ai chịu nghe ý kiến của cá nhân tôi. Hay cô ta sẽ lại đi khóc lóc ỉ ôi, thêm mắm thêm muối kể khổ với bố. Càng suy nghĩ về chuyện này tôi càng thấy bế tắc. Nhưng dù đúng dù sai, tôi nghĩ việc sắp xếp một cuộc hẹn riêng với cô gái kia vẫn là một giải pháp tốt nhất trong hoàn cảnh này. Ít ra, qua đó tôi có thể hiểu được phần nào con người của cô ta. Mọi người là người ngoài cuộc, đủ tỉnh táo, xin hãy cho tôi lời khuyên!
Mộc Lan
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.