Tôi là một giáo viên tiểu học, nhà nghèo lại đông anh em. Nhà chồng tôi thì kinh tế thuộc dạng cơ bản, bố mẹ anh giữ chức vụ chủ chốt ở cơ quan đầu não của huyện. Làm dâu nhà anh, ai cũng bảo tôi có phước lắm. Vì một đứa con gái nhà nghèo kiết xác được lọt vào gia đình anh có lẽ phải tu mấy kiếp.
Công bằng mà nói, bố anh cũng không thật sự ưng ý tôi cho lắm. Vì hai gia đình không môn đăng hộ đối. May thay, tôi có cái nghề nghiệp ổn định kéo lại (ở quê, các bậc phụ huynh thường thích lấy nàng dâu làm giáo viên) nên bố anh cũng cố gắng chấp nhận tôi. Hơn nữa, tôi cũng hiền lành, gia đình nghèo nhưng bố mẹ tôi sống rất chừng mực, rất được lòng mọi người.
Hai năm tìm hiểu nhau, tôi và anh quyết định làm đám cưới. Đây cũng là lúc bố chồng bắt đầu đề ra những yêu sách mà theo như ông nói là “nguyên tắc vàng” trong gia đình. Ngày hai gia đình gặp gỡ nói chuyện, bố chồng tôi dõng dạc tuyên bố với bố mẹ đẻ tôi rằng: “Sau này về làm dâu, một bước đi đứng cũng phải xin phép, được ông đồng ý mới được bước ra khỏi nhà. Muốn gọi con cái lại nhà, ông bà phải sang nhà xin phép tôi tử tế. Không có cái kiểu tự tiện đi là không xong đâu. Nhà tôi là gia đình gia giáo chứ k phải dạng vớ vẩn”.
Bố chồng tôi không những tính tình trái khoáy, còn rất hay để ý vặt. Có lần tôi mặc cái váy công sở ông nhìn từ đầu xuống chân rồi phán: “Chồng con rồi thì lo mà làm ăn, đừng có cái thói học đòi ăn diện. Thiên hạ người ta lại chửi cho chẳng ra gì”. Những lời nói của bố chồng chẳng biết có ẩn ý gì không nhưng tôi cũng thấy tủi thân. Phận làm dâu con cũng chỉ biết ngậm ngùi vâng dạ cho qua.
Phải nói là bố chồng tôi thuộc dạng đại hà tiện. Việc chi tiêu trong gia đình do ông nắm tay hòm chìa khóa. Nhà đông con cháu, gia đình 3 thế hệ, kinh tế cũng không đến nỗi nào nhưng việc ăn uống chi tiêu ông tính toán cân đo từng đồng. Thực đơn mỗi ngày chỉ vài miếng thịt mỡ lèo bèo, còn chủ yếu là rau xanh. Vì chẳng ngon lành gì nên ai cũng ăn qua loa cho xong bữa. Vậy mà ông cứ nghĩ, chừng ấy thức ăn là quá nhiều nên ngày nào cũng thừa mứa. Thời đại thay đổi lâu rồi nhưng ông luôn mang ra so sánh với bữa cơm thời bao cấp: “Ăn thế này là ngon lắm rồi, các cô các cậu phải nghĩ đến ngày xưa chúng tôi còn không có cơm độn mà ăn. Muốn ăn miếng thịt cũng phải xếp hàng cả tuần không xin được phiếu”
Không phải kiểu nói xấu nhà chồng, nhưng thật lòng tôi thấy ông giàu có nhưng chẳng có đến một người hàng xóm để hàn huyên. Có lẽ cho rằng nhà mình có của ăn của để nên ông chẳng cần nhờ vả đến ai, chẳng quan tâm thiên hạ sống thế nào. Thế nên, hàng xóm láng giềng mà có thiện ý sang chơi nhưng nhìn cái thái độ khinh khỉnh của ông là chẳng ai còn muốn bắt chuyện. Vì ông sống như thế nên ông cũng phải uốn nắn con cháu đi vào khuôn phép. Phận làm con như tôi mà có lân la sang hàng xóm, tụ tập nói chuyện với ai là y như rằng bị quán triệt ngay. “Nhà mình toàn người có học thức, giao du với cái đám người nhà quê đó làm gì. Chỉ giỏi đưa chuyện nói xấu nhau, không khá lên được”.
Trong mắt bố chồng tôi, chỉ những cán bộ công chức có máu mắt mới cùng đẳng cấp để ngồi ngang hàng nói chuyện. Còn những người làm nông chỉ là cái thành phần “chân đất mắt toét” có quan hệ cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Cách sống của bố chồng làm cho tất cả các thành viên trong gia đình cảm thấy mệt mỏi. Tôi chỉ muốn ra ở riêng để được thoải mái lo cho gia đình nhỏ của mình, vấn đề này tôi chưa dám đề cập với chồng.
Hôm vừa rồi, có một chuyện làm tôi cảm thấy ức chế với bố chồng vô cùng. Hôm ấy, mẹ đẻ tôi không may bị tai nạn phải vào viện cấp cứu. Số tiền viện phí tương đối lớn, tôi cũng đã cố gắng vay mượn nhưng chưa kịp. Không biết nhìn vào đâu nên bố đẻ tôi đánh liều sang hỏi vay tạm ông thông gia. Qua việc đó tôi mới hiểu, không những gia trưởng, tính tình trái khoái mà ông còn quá nhẫn tâm. Mặc cho mẹ tôi nguy kịch thế nào, ông cũng từ chối thẳng không cho mượn tiền. Rồi ngay chiều hôm đó, ông bắt chồng tôi chở xuống ngân hàng để gửi tiền vào sổ tiết kiệm.
Sau hôm ấy, tôi được bố chồng lên lớp cho một bài học nhớ đời: “Cô phải biết được làm dâu nhà này là có phúc lớn lắm. Đã không đóng góp được gì, còn định nhòm ngó cái gia sản. Cứ tưởng hiền lành, hóa ra cũng không phải dạng vừa. Ở đâu ra cái kiểu thông gia đến tận nhà vòi vĩnh. Nhà này chưa thừa thóc đãi gà rừng”.
Khi nghe những lời nói cay nghiệt của bố chồng, tôi không cầm được mắt mắt. Cảm giác nhục nhã, bất lực. Tôi không biết phải làm thế nào bây giờ. Tôi đang nghĩ, đợi mẹ tôi khỏe mạnh, tôi sẽ tìm cách thuyết phục chồng rồi vay mượn thêm bạn bè để ra ở riêng. Thật lòng, sống cùng bố chồng tôi thấy mệt mỏi vô cùng. Nhưng thuyết phục thế nào để đẹp lòng cả hai bên. Xin mọi người hãy cho tôi lời khuyên!
Hà Linh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.