Trận động đất khủng khiếp nhất trong lịch sử Nepal từ năm 1934 đã khiến Trái đất xô lệch đi rất nhiều.
Siêu động đất ở Nepal khiến Trái đất xô lệch
Ngày 25/4, trận động đất tại thủ đô Kathmandu, Nepal xảy ra với cường độ 7,8 độ Richter. Dù sau thảm họa, hơn 8.000 người đã thiệt mạng và ít nhất 19.000 người bị thương nhưng đó không phải là ảnh hưởng duy nhất của trận động đất khủng khiếp này.
Mới đây, theo các nhà khoa học, sự kiện trên còn khiến bề mặt Trái đất trở nên bất ổn và có sự xô lệch đáng kể. Ước tính, nền đất tại thủ đô Nepal đã cao hơn so với trước đây khoảng 1,4m (4,6 feet) trong khi khu vực xung quanh phía Bắc thấp xuống một khoảng cách tương ứng. Đây là con số vô cùng lớn nếu biết rằng thông thường sự vận động các mảng địa chất chỉ khiến Trái đất dịch chuyển vài cm mà thôi.
Ảnh chụp một ngọn đồi chịu tác động của động đất khủng khiếp
Để đo đạc được con số chính xác khoảng cách mặt đất bị xô lệch, các chuyên gia đã sử dụng tới thiết bị ra-đa SAR của vệ tinh Sentinel – 1A thuộc trung tâm Vũ trụ châu Âu. Theo đó, Sentinel – 1A chụp ảnh bề mặt khu vực xảy ra động đất và vùng lân cận ở từng góc độ nhỏ nhất. Tiếp theo, dữ liệu được phân tích và đối chiếu với bản đồ địa chất cùng khu vực trước động đất để ra được kết luận cuối cùng.
Bản đồ sự thay đổi địa chất tại khu vực bị động đất ảnh hưởng
Mặt khác, các nhà khoa học còn sử dụng thêm hệ thống định vị GPS để xác nhận kết quả. Đúng như họ dự đoán, kết quả của GPS khẳng định: khu vực Nepal xảy ra động đất có biểu hiện của sự “trồi lên” bề mặt, trong khi các khu vực lân cận thì mặt đất sụt thấp đáng kể.
Hiện nay, các phép đo vẫn đang được tiến hành nhằm tìm hiểu kĩ hơn sự biến đổi của Trái đất sau thảm họa tại Nepal. Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng bởi lẽ ngay sau trận động đất hồi tháng 4 thì mới đây, một trận động đất khác mạnh 7,3 độ Richter cũng đã xảy ra tại Gorkha. Vậy mà trước đó chưa lâu, tháng 3/2015, một báo cáo khoa học đã chứng minh đây là khu vực hiếm hoi chưa từng xảy ra động đất lớn trong lịch sử.
Theo Trí Thức Trẻ