Theo các nhà khoa học dự đoán, nếu Trái đất ngừng quay, chúng ta sẽ chỉ cách Tận thế một tháng.
Chúng ta biết rằng, Trái đất quay xung quanh Mặt trời mỗi ngày. Với vận tốc lên tới 108.000km/h, hành tinh của chúng ta di chuyển tới 940km chỉ trong một vòng quay.
Quỹ đạo quay cũng khiến cho khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời luôn biến đổi qua từng ngày. Theo đó, thời điểm mà Trái đất ở gần Mặt trời nhất được gọi là Perihelion, xảy ra vào 3/1 hàng năm khi hai hành tinh cách nhau khoảng 147.098.074km.
Trái lại, thời điểm Aphelion – xảy ra vào ngày mùng 4/7 đã tạo nên một khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời 152.097.701km.
Cùng với đó, Trái đất không hề di chuyển theo một quỹ đạo hình tròn mà hơi giống hình oval hay được gọi là quỹ đạo hình ellip. Quỹ đạo này có độ lệch tâm là dưới 0,02 nên khiến bạn có cảm giác như đây là một đường cầu.
Theo các chuyên gia, quỹ đạo quay của Trái đất cũng phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống con người trên hành tinh này. Bởi vậy, theo quan điểm của nhà khoa học Aatish Bhatia, việc Trái đất di chuyển quanh Mặt trời sẽ giúp chúng ta không ở quá sát hành tinh này và bị thiêu rụi trước sức nóng của nó.
Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi, nếu Trái đất chúng ta ngừng quay thì sẽ có kết cục ra sao chưa?
Theo nhà khoa học Aatish Bhatia, nếu Trái đất ngừng quay thì hành tinh này sẽ bị nuốt chửng và vạn vật trên Trái đất sẽ bị hủy diệt trong 64 ngày. Cụ thể:
– Trong vài ngày đầu tiên, chỉ riêng lực ma sát do Trái đất ngừng quay va chạm với những cơn gió cũng đủ thổi bùng lên nhiều vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có.
– Vào ngày thứ 21, nhiệt độ trung bình của toàn cầu sẽ lên tới 95 độ F (khoảng 35 độ C) và tất cả mùa màng sẽ bị hủy hoại.
– Đến ngày thứ 35, toàn bộ Trái đất sẽ trở nên cực kỳ nóng. Ông Bhatia cho biết: “Thậm chí cả loài kiến bạc Sahara – loại động vật chịu nhiệt tốt nhất thế giới cũng không thể sống nổi”.
Loài kiến sa mạc Sahara vốn có thể tồn tại ở nhiệt độ lên đến 70 độ C (khoảng 158 độ F). Giống như những loài ăn xác thối khác, loài vật này ăn xác chết của những sinh vật bỏ mạng vì cái nóng của sa mạc. Còn với loài người, chúng ta chỉ có thể tồn tại được dưới bầu khí quyển mát lành mà thôi.
– Đến ngày thứ 47, toàn bộ các đại dương trên Trái đất sẽ sôi lên và toàn bộ sinh vật sống đều bị hủy hoại. Tardigrades – một sinh vật cổ xưa huyền thoại khi đó vẫn sẽ ổn, nhưng cũng không trụ được quá ngày thứ 54.
– Đến trưa ngày thứ 64, sau khi đạt đến nhiệt độ có thể nung chảy toàn bộ đất đá trên Trái đất, thủy triều do Mặt trời thúc đẩy sẽ làm mặt đất vỡ vụn ra thành từng mảnh.
Trước khi chạm đến mốc ngày 64 này, các nhà khoa học đã tính toán được rằng, nếu Trái đất ngừng quay, một nửa bề mặt Trái đất sẽ là ban ngày, nửa còn lại sẽ mãi mãi chìm trong bóng tối.
Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các sinh vật sống. Cụ thể, tại nửa sáng, ánh sáng Mặt trời sẽ chiếu rọi 24/24h, động – thực vật trên Trái đất sẽ mất thời gian dài để thích nghi với điều kiện tự nhiên mới, đồng nghĩa với việc rất nhiều loài sẽ bị tuyệt chủng.
Ở nửa tối, không có ánh sáng Mặt trời, thực vật nơi đây sẽ không thể quang hợp và phát triển, dẫn tới mất cân bằng sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp tới các loài vật nơi đây.
Mặc dù những viễn cảnh này vô cùng đáng sợ nhưng theo các chuyên gia khả năng Trái đất ngừng quay thực tế sẽ không xảy ra trong vài tỉ năm tới. Bởi vậy bạn hãy “kê cao gối” tận hưởng cuộc sống trọn niềm vui này!
Theo Trí Thức Trẻ, NationalGeographic, Livescience