Tình trạng ấm nóng toàn cầu đang khiến các đám cháy rừng ở Bắc Bán cầu trở nên thường xuyên và dữ dội hơn, góp phần làm tăng nguy cơ biến đổi khí hậu nhanh chóng.
Vụ cháy đồng cỏ ở Tây Tạng (Trung Quốc) cuối tuần qua làm 22 người chết. Ảnh: The Hindu |
Nghiên cứu của Đại học Guelph (Canada) cho thấy mức độ cháy rừng gia tăng tại bang Alaska (Mỹ) trong thập niên qua biến nơi đây trở thành kho chứa khí carbon dioxide (CO2), khí gây hiệu ứng nhà kính chịu trách nhiệm chính làm Trái đất ấm nóng lên. Nói cách khác, những cánh rừng ở phương Bắc hiện nay được cho hấp thu lượng khí CO2 ít hơn so với lượng CO2 mà chúng thải ra. Lượng CO2 thải ra không chỉ bắt nguồn từ cây rừng bị đốt cháy mà còn từ trên mặt đất. “Hầu hết những thứ gây ra cháy rừng là rác của cây, rêu, các chất hữu cơ trong lớp đất bề mặt”, giáo sư Merritt Turetsky, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích.
Giáo sư Turetsky cho rằng kết quả trên đáng lo ngại vì khoảng 50% lượng carbon trong đất trên toàn cầu đang bị lưu giữ ở các vùng chứa nhiều than bùn hoặc các lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Bán cầu. “Lượng khí carbon tích lũy từng chút trong các hệ sinh thái qua hàng ngàn năm nay, nhưng lại đang được giải phóng rất nhanh”, bà nói. Nghiên cứu trên mặc dù nhắm tới 18,5 triệu ha rừng tại Alaska, nhưng những kết quả rút ra được cho có thể làm cơ sở để đánh giá các khu rừng rộng lớn ở Sibérie (Nga), Canada và Bắc Âu.
Theo Báo Cần Thơ