Trái đất nóng lên làm thời kì băng hà tiếp theo đến chậm

Trái đất nóng lên làm thời kì băng hà tiếp theo đến chậm

Theo nghiên cứu chuyên sâu về biến đổi khí hậu trên Bắc Cực, con người đang kéo dài khoảng thời gian đến thời kì băng hà tiếp theo.

Bắc Cực giờ đây đang ấm hơn 2.000 năm trước – một xu thế đi ngược lại chu kỳ lạnh tự nhiên gây ra bởi dao động của trục Trái đất.

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét các dữ liệu nhiệt độ của Bắc Cực trong vòng 400 năm trở lại đây.

Nghiên cứu nói trên cho thấy nhiệt độ trong thế kỉ 20 có sự tăng mạnh, nhưng người ta không rõ nguyên nhân là do con người phát thải khí nhà kính hay do khuynh hướng tự nhiên, đồng tác giả Gifford Miller đến từ Viện nghiên cứu An-pơ và Bắc cực thuộc đại học Colorado, Bolder, cho biết.

Nhìn xa hơn nữa về quá khứ, nghiên cứu mới nhất của Miller cùng đồng nghiệp tiết lộ rằng sự ấm lên đột ngột trong thế kỉ 20 thực ra đã phá vỡ chu kỳ lạnh diễn ra đều đặn từ nhiều ngàn năm qua.

“Rõ ràng, giải thích hợp lý nhất cho sự đảo lộn đó là lượng khí nhà kính tăng lên,” Miller nói.
Các mô hình khí hậu trên máy tính của các nhà nghiên cứu hoàn toàn khớp với những dữ liệu hiện trường như lõi trầm tích hay số vòng tuổi trên thân cây.

Cuối cùng, dù thế nào thì Trái đất cũng sẽ bước vào thời kì băng hà mới theo chu kỳ, Miller nói thêm, nhưng có lẽ nhiều ngàn năm nữa điều này mới diễn ra.

Thời kì băng hà bị gián đoạn

Góc nghiêng của Trái đất so với mặt trời thay đổi theo dao động tự nhiên kéo dài 26.000 năm, khiến cho hành tinh của chúng ta quay quanh trục của nó như một con quay không ổn định.

Dao động này khiến Trái đất tiến đến gần Mặt trời nhất vào các tháng khác nhau trong một khoảng thời gian dài. Trong vòng 7.000 năm qua, Trái đất thường đạt khoảng cách gần mặt trời nhất vào tháng Một hàng năm.

Điều này có nghĩa là vào mùa hè có ít ánh sáng mặt trời rọi được tới Bắc cực hơn, do đó vùng này sẽ trở nên lạnh hơn.

Để ước tính nhiệt độ trong quá khứ, nhóm nghiên cứu đã khảo sát các lớp trầm tích dưới đáy hồ Bắc cực và các dữ liệu công bố trước đây về lõi băng trên sông băng cũng như các vòng tuổi trên thân cây.

Nhóm cũng khảo sát một mô hình máy tính về khí hậu toàn cầu đặt tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Quốc gia ở Colorado.

Miller cùng đồng nghiệp đã thấy rằng dao động trong độ nghiêng của Trái đất khiến nhiệt độ Bắc cực giảm khoảng 0,20C trong mỗi 10.000 năm của thời kỳ lạnh.

Nhưng vào giữa những năm 1990, các tác động làm trái đất nóng lên của con người đã áp đảo chu kỳ lạnh, khiến nhiệt độ tăng lên 1,40C trong vài thập kỉ.

Trái đất nóng lên làm thời kì băng hà tiếp theo đến chậm

(Ảnh: Nationalgeographic.com)

Theo kết quả nghiên cứu sẽ được công bố ngày mai trên tờ Science, 4 trong số 5 thập kỉ có nhiệt độ cao nhất trong vòng 2.000 năm qua xuất hiện từ năm 1950 tới nay.

Nhà sinh thái học Syndonia Bret-Harte đã trực tiếp nhìn thấy những tác động của biến đổi khí hậu trong nghiên cứu của bà về vùng lãnh nguyên Alaska.

Nghiên cứu mới lần này “không gây mấy ngạc nhiên, chỉ xác nhận lại những nhận định từ trước của các nhà khoa học,” Bret-Harte, cán bộ Viện nghiên cứu Sinh học Bắc Cực thuộc đại học Alaska tại Fairbanks, phát biểu.

Khuếch đại hiện tượng Trái đất nóng lên

Các tác động của biến đổi khí hậu đang được khuếch đại tại Bắc cực, nơi quá trình nóng lên diễn ra nhanh chóng hơn bất kì nơi nào khác trên Trái đất.

Đó là vì nhiệt độ Bắc cực bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự tan chảy băng biển mùa hè cũng như tầng băng vĩnh cửu, các chuyên gia cho biết.

Băng biển Bắc cực mùa hè từng đạt mức thấp kỉ lục vào năm 2007 và có lẽ sẽ hoàn toàn tan hết vào năm 2030.

Nếu không có những dải băng trắng bức xạ ánh mặt trời trở lại không khí, những tia mặt trời này sẽ được hấp thụ vào tầng sâu của đại dương – điều làm quá trình ấm lên diễn ra nhanh hơn.

Và tan chảy tầng đất đóng băng vĩnh cửu đã bắt đầu thả ra carbon dioxit cùng metan, hai loại khí nhà kính nguy hiểm nhất từng bị chôn chặt dưới lòng đất.

“Rõ ràng quá trình khuếch đại này sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Sẽ có những tác động trực tiếp ở Bắc cực,” Miller nói.

“Vấn đề lớn nhất là, khi băng bị tan, mực nước biển sẽ dâng lên – đây là một vấn đề toàn cầu, và nó sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.”

Bret-Harte đồng ý rằng những tác động khuếch đại sẽ “tiếp tục diễn ra cho tới khi băng biển mùa hè hoàn toàn biến mất – không có cách nào làm thay đổi xu hướng này trong ngắn hạn.”
Nhưng như vậy không có nghĩa là con người nên khoanh tay đứng nhìn, bà nói.

“Chúng ta đang xem xét một thế giới nóng dần lên, và có 2 câu hỏi đặt ra: chúng ta sẽ thích nghi với quá trình đó như thế nào và làm giảm tốc độ biến đổi khí hậu theo cách nào? Quá trình ấy diễn ra càng nhanh chóng bao nhiêu, con người càng khó khăn khi tìm cách thích ứng bấy nhiêu.”

 

Theo G2V Star (National Geographic)