Các nhà khoa học vừa tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của một loài giun khổng lồ dài tới 10 mét từ thời tiền sử tại thành phố biển Torbay, tây nam nước Anh.
Giun nhung, một trong những sinh vật cổ đại còn sống trên trái đất. Ảnh: fed.us. |
Các chuyên gia của tổ chức Riviera Geopark tại Anh tìm thấy nhiều đường hầm lớn dưới đất gần thành phố biển Torbay. Chúng phân bố rộng khắp ở lớp trầm tích dưới đáy sông hoặc thung lũng khô. Sau khi xem xét, họ cho rằng những đường hầm này được tạo ra bởi những con giun có chiều dài trung bình 10 mét và đường kính thân hơn 15 cm. Chúng sống cách đây ít nhất 260 triệu năm.
Tiến sĩ địa chất Kevin Page, một chuyên gia cổ sinh vật học của Đại học Plymouth cho rằng việc phát hiện những đường hầm khổng lồ là sự kiện chưa từng xảy ra trong khoa học. “Phát hiện này rất khác thường. Những đường hầm lớn xuất hiện khắp nơi trong một khu vực khá rộng. Không có bằng chứng nào cho thấy chúng được tạo ra bởi một sinh vật mà con người từng biết. Những hố này được tạo ra vào giai đoạn Đại cổ sinh, tức là trước khi khủng long xuất hiện trên trái đất.”
Theo Page, giun khổng lồ thời tiền sử chủ yếu sống dưới đất. Chúng chỉ ngoi lên khi ăn và thở. Loài giun cổ đại nhất còn sống hiện nay là giun nhung (Velvet Worm), nhưng chiều dài thân trung bình của chúng chỉ đạt 15 cm. Giun nhung sống trong các rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Được coi là mắt xích giữa giun đốt và động vật chân đốt, giun nhung là loài giun duy nhất có chân.
Giun nhung thuộc nhóm những loài giun di chuyển chậm, chân của chúng rỗng và chứa đầy chất lỏng đặc quánh. Loài giun này không thay đổi gì trong suốt 360 triệu năm qua, ngoại trừ việc màu da của chúng nhạt dần để ngụy trang tốt hơn.
Theo VnExpress (Telegraph)