Trầm cảm sau sinh là nỗi khiếp sợ mà nhiều bà mẹ từng trải qua. “Nó” chẳng từ 1 ai, thế nên không chỉ những mẹ sống trong hoàn cảnh bí bách, mệt mỏi, ức chế,… nhiều mới gặp phải; thực tế là có những mẹ cuộc sống rất “suôn sẻ” mà vẫn mắc phải chứng bệnh đáng ghét này. Tùy vào mức độ nặng nhẹ, có người thậm chí phát điên, ghét bỏ con, hay “nhẹ nhàng” hơn thì như câu chuyện của những mẹ dưới đây:
Ghét cay đắng ai gần con
Sinh con được gần 1 năm nhưng đến giờ chị Nguyễn Thu Trang (Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa hết sợ vì trạng thái trầm cảm sau sinh của mình. Chị kể, khi mang thai bé Na chị cũng từng nghe nhiều bạn đồng nghiệp kể về trầm cảm, cũng đọc nhiều báo, diễn đàn về tình trạng này nhưng bản thân chị luôn nghĩ như “chuyện của người ta”. Chị được chồng yêu chiều, chăm sóc từng li từng tí nên nghĩ mình là trường hợp ngoại lệ, không thể mắc chứng trầm cảm “dở khóc dở cười này”. Thế nhưng sinh bé Na xong chị mới “thấm”…
Chị Trang chia sẻ: “Sau khi sinh bé Na, bản thân mình không thích cho ai gần con mình vì cứ sợ con đau, con mệt, con không thích, con khó chịu,… Không hiểu sao mình lại thấy ghét kinh khủng những người trước đây từng yêu quý. Thậm chí ngửi mùi của họ thôi cũng ghét cay đắng. Mình sợ nằm chung, sợ gần gũi với chồng. Lúc nào cũng có cảm giác khó chịu, không ưa chồng mặc dù chồng hết mực chăm vợ, thương con”.
Thêm bà mẹ chồng kĩ tính và hơi tiết kiệm thái quá nên càng làm chị bực dọc hơn. “Mẹ chồng mà cứ giặt nước ngày hôm nay xong để lại ngày mai giặt tiếp và đồ của con mình cũng bị giặt như thế thì có người bình thường cũng phát điên chứ chưa nói đến gái đẻ. Bà còn tiết kiệm điện đến nỗi giấu cả điều khiển điều hòa ban đêm vì sợ tốn điện. Chồng đi công tác không có nhà, thế là 2 mẹ con ôm nhau mà nước mắt giàn giụa. Mình muốn gào lên thật to như người điên loạn nhưng may là cố kìm nén được. Nhưng phải sau chừng 1 năm những biểu hiện của mình mới giảm. Hiện tại Na 1 tuổi, mình lấy lại được xúc cảm và cuộc sống dần cân bằng hơn” – chị tâm sự.
Căm thù người mình ghét trước sinh
Cũng tương tự trường hợp chị Trang, chị Nguyễn Thu Hồng (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng mất 1 khoảng thời gian dài để xua đi chứng trầm cảm. Từ trạng thái “không ưa” người thân trong nhà, chị Hồng chuyển sang giai đoạn “căm thù” họ.
Số là trước khi lấy chồng, chị bị gia đình chồng phản đối gay gắt về cuộc hôn nhân. Sau khi làm dâu, mâu thuẫn giữa chị với bên chồng cũng tăng lên. “Chị chồng luôn tìm cách bắt bẻ, soi mói. Mẹ chồng cũng nghe con gái mà hà khắc hơn với con dâu. Ngày mang thai Bi, mình chỉ có chồng làm hậu thuẫn. Sinh con xong, chồng lại bắt đầu đi công trình nên không thường xuyên ở nhà. Cảm giác lủi thủi, cô đơn và “đơn thương độc mã” vây kín. Mình bắt đầu có những hành vi quá khích sau sinh…”, chị Hồng kể.
Khi sinh bé Bi được 5 ngày, chị Hồng được ra viện. Mọi người đến thăm hỏi nhưng chị đóng chặt cửa không cho bất cứ ai vào. Nghe thấy tiếng của mẹ chồng, chị chồng hay bất cứ người quen nào chị cũng đều có cảm giác thù hằn, bực dọc. Khách bên ngoài gọi cửa chị nhất quyết không mở. Chị không muốn cho ai được nhìn thấy con chị, không muốn ai ôm hay động chạm vào cu Bi. Duy chỉ có mẹ đẻ dỗ ngon ngọt chị mới cho vào thăm và tắm cho bé.
Sau 8 tháng, mọi trạng thái tâm lý của chị Hồng cũng ổn định. Chồng chị biết vợ như vậy nên lo lắng và xin nghỉ đi công trình, dành thời gian chăm chút vợ con. Công việc nhà của chị được san sẻ, việc chăm con ban đêm chồng chị cũng phụ giúp nhiều.
“Mình có thời gian nghỉ ngơi, giao tiếp với mọi người trong gia đình. Đặc biệt là với bố mẹ chồng nên tâm trạng dần xoa dịu hơn. Hy vọng thời gian tới cuộc sống của mình sẽ cân bằng hơn, chứng trầm cảm sẽ hết và mọi thứ tốt đẹp dần”, chị Hồng chia sẻ.
Thiên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.