Cuộc sống sau sinh đã đủ mệt mỏi, đau đớn, “tâm trạng”, cộng thêm bao nhiêu lo lắng cho con rồi; thế nhưng chị B.Thanh (27 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội) còn rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh không hề nhẹ khi mẹ chồng chị cứ cả ngày ra rả, cười cợt nửa đùa nửa thật với khách khứa đến thăm: “Ờ, mổ đẻ, đau lắm nên chăm mệt lắm!”. Xong bắt đầu “tỉ tê” với hết người này đến người kia: “Tôi ngày xưa ấy mà, cứ 7 đứa con đẻ cứ sòn sòn, đứa nào đứa nấy to khỏe, chứ không như giờ, thằng bé bằng cái kẹo đã phải mổ rồi. Ngồi nhiều, làm ít quá đấy bà/bác/mợ,… ạ”. Xong rồi ai thân thiết hơn thì bà cười sằng sặc: “Ôi giời may mà con giai chứ con gái thì chết, giống mẹ đen sì sì!”. Chả là từ lúc về ra mắt, bà đã chê chị Thanh “người đâu đã béo lại đen thế!” rồi. Nghe lần 1 lần 2 thì còn coi như không biết, hoặc cố gắng chịu đựng, chứ ngày nào cũng ra rả nói đi nói lại như thế, nằm trong phòng mà chị Thanh cứ muốn… điên tiết. Mà bà cứ chăm chỉ “buôn bán” thế chứ hễ nhờ việc gì là mang bài ca “phục vụ” ra lải nhải.
Mà bà nói thì hay, chứ lại được cái vụng thì chả ai bằng. Chị Thanh kể: “Nhà có ít tam thất, nhờ bà giã nghệ ra để hấp với trứng gà ăn cho bổ, thế mà bà lọc được ít nước nghệ thì làm đổ quá nửa ra bàn, đã thế lại vội vàng lấy tay vét nước lại vào bát cho “đỡ phí”. Cái mặt bàn thì chả sạch sẽ gì, nhưng vét xong cái còn để luôn bát xuống sàn nhà, vớ cái giẻ lau lên chùi bàn làm bụi bay lung tung. Cũng may lóng ngóng làm sao bà lại đá vào cái bát lần nữa làm chỗ nước nghệ đổ sạch ra sàn nhà, chứ không chắc phải ăn hết cả bụi…”.
Khi không thể chăm sóc cho bản thân, phải dựa vào người khác chị mới biết thế nào là tủi cực. (Ảnh minh họa)
Rồi quần áo của cháu ị tè, bà cứ bê nguyên cả cái chậu dưới gầm giường đổ hết vào máy giặt, chung với quần áo người lớn. Có những cái bị dính phân, giặt xong vẫn… vàng khè đáy quần. Hôm nào trời mưa, đống quần áo giặt xong chả khác nào chưa giặt vì hôi và bẩn, cái khô lẫn cái ẩm. “Thế nên đẻ xong được hơn tuần mình đã phải ra giũ quần áo rồi giặt cho con chứ chả kiêng nước được. Chưa hết, có hôm nhờ bà lau hộ cháu cái mặt, bà quệt quệt vài cái rồi… dùng luôn cái khăn đó lau mông cho thằng bé vừa ị xong. Có hôm nằm võng, con tè ra sàn nhà thì bà lột luôn quần cháu, tiện cầm cái quần lau luôn chỗ nước đái dưới sàn rồi ném vào máy giặt,…”. Khổ nhất là mỗi lần mẹ đẻ lên trông, mẹ chồng chị Thanh lại “lên mặt”, bóng gió chuyện “thành phố với nhà quê, rằng chăm con chăm cháu bà kiểu nhà quê là bà không vừa lòng,…”, nên cũng được vài ba hôm là mẹ chị đành nuốt nước mắt thương con mà về nhà.
Uất ức nhất là chồng chị, chả giúp được việc gì nhưng cứ về đến nhà là nhăn mũi: “Phòng này mùi ghê thế, đúng là mùi bà đẻ! Cái chậu gì mà kinh thế này, quần áo thay ra phải giặt luôn đi chứ!…”, xong rồi ôm gối lên phòng mẹ chuyện trò rôm rả, rồi ngủ luôn ở đó, mặc kệ con ốm sốt, khóc quấy chán chê. Nhiều lần chị còn thấy chồng ngang nhiên gọi điện thoại oang oang “tán tỉnh” cô nào đó ngay trong nhà, mẹ chồng thấy thế còn mỉm cười hùa theo. Chị ngậm đắng nuốt cay…
Có hôm đêm rồi thằng bé sốt cao, khóc mãi không nín, chị gọi thì chồng còn vọng xuống: “Mấy giờ rồi mà còn đi viện, động 1 tí thì đi viện, có việc dỗ con cũng không xong, ai mà ngủ được”. Mẹ chồng “đế” thêm vào: “Ngày xưa mẹ đẻ mày cứ ngoan như con cún, chả ốm đau gì”… Chị vừa khóc nghẹn vừa chuẩn bị đồ đưa con đi 1 mình, thằng bé phải nhập viện theo dõi mà đến tận chiều hôm sau bà mới vào hỏi: “Thế nó ốm thật đấy à, tưởng lại sốt qua qua như mấy lần trước”. Trong khi chồng sáng ra vẫn vô tư đi làm, chẳng biết vợ con ở đâu…
Trước khi mang bầu, định “kế hoạch” 1 vài năm cho kinh tế ổn định thì chồng với mẹ cứ giục lên giục xuống, hứa lên hứa xuống rằng cứ đẻ 1 đứa đi, mọi thứ không phải lo. Thành ra chị cũng gật đầu, thai nghén không báo trước, công việc của chị đã trục trặc đủ đường rồi; đã thế đẻ xong 1 mình nuôi con, vất vả, lo lắng từ đồng mua sữa đến tiền đi viện khiến mỗi lần nghĩ lại chị muốn… phát điên. Đến mức nhìn thấy chồng hay mẹ chồng là chỉ muốn lao vào cắn xé, cào cấu cho bõ tức, cho đỡ hận, rồi lúc không có ai thì chỉ muốn đập phá tan tành ra để giải tỏa. Tâm lý cứ u uất dài như vậy khiến chị muốn khóc mà không khóc được, “cục tức” lúc nào cũng nghèn nghẹn trong cổ như phát điên vậy.
Càng ngày chị càng mệt mỏi, chán ghét chồng, chán ghét nhà chồng, chỉ mong được ôm con về ngoại mà không xong. Chị cứ lầm lũi 1 mình trong nhà, ai hỏi cũng không buồn trả lời, chỉ ngước mắt lên nhìn rồi thôi. Có lần đang đêm, chồng chị “thiếu hơi vợ” nên mò xuống nhưng vừa chạm vào người chị đã ngồi bật dậy, mắt long sòng sọc nhìn chồng, anh tiếp tục lại gần thì chị hét lên: “Ra ngoài, cút đi, tránh xa tôi ra!” khiến con đang ngủ bị đánh thức, khóc toáng lên. Lần khác, mẹ chồng chị vào bế cháu lúc 2 mẹ con đang thiu thiu ngủ, chị giật mình đứng bật dậy, với cái bình sữa cạnh giường giơ về phía bà, quát: “Tránh con tôi ra, ai làm hại nó là tôi giết!”. Chồng chị thấy thế lao vào, định giữ vợ lại thì chị càng điên lên, vớ lấy đồ đạc trong phòng quăng tứ tung. Có hôm, chị đang đứng rửa chén bát thì nghe mẹ chồng lại rì rầm đủ để chị nghe thấy với mấy bà hàng xóm: “Nhà tôi vô phúc, dâu mà như hùm như hổ” thì chị lập tức đập mạnh chiếc cái cốc xuống bồn vỡ “choang” làm mấy bà trên nhà chợt im bặt.
Rồi sau những ngày đó, chị Thanh trở nên “bất cần”, chẳng sợ, chẳng coi ai ra gì. Nếu như trước kia luôn phải nhún nhường, nhịn nhục mọi người trong nhà chồng thì giờ chị lúc nào cũng “câng câng” mặt, không nghe cũng chẳng làm theo lời ai, thậm chí sẵn sàng “bổ vào mặt” mẹ, chị chồng bất cứ lúc nào. Ngoài con ra, trong ngôi nhà đó chị chẳng còn yêu thương ai hết, kể cả chồng.
Tình hình ngày càng trầm trọng đến mức mẹ chồng chị cuối cùng cũng nhượng bộ gọi mẹ đẻ lên chăm. Nhưng chị Thanh đã gần như phát điên, cả ngày cả đêm căng thẳng, đôi khi nói cười lảm nhảm một mình, thậm chí có bóng người bước vào phòng là cuống cuồng cầm dép, cầm dao dọa không cho ai đến gần con. Mẹ chị xót quá đành phải đưa con đi viện, rồi nói khó với thông gia xin ra ngoài thuê trọ 1 thời gian. Dần dần chị Thanh cũng bình tĩnh lại nhưng phải mất đến hơn 1 năm sau, cuộc sống của chị mới trở lại ổn định như trước, đó cũng là thời điểm chị đâm đơn lên tòa ly hôn. Cuộc sống coi như được giải thoát, nhưng khổ cho con chị, từ khi đẻ ra đã không nhận được nhiều tình thương từ cả mẹ và bố…
Xem thêm
Làm đẹp sau sinh
Giam can sau sinh
Ngọc Diệp
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.