Cảnh báo từ các chuyên gia cho thấy, trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc- Thiên Cung 1 sẽ sớm rơi tự do xuống Trái Đất.
Trang Sputnik mới đây dẫn lời các chuyên gia nhận định về trạm Thiên Cung 1 của Trung Quốc sớm đã ngừng hoạt động thu thập thông tin và chưa xác nhận số ngày hoạt động còn lại đồng thời cảnh báo về nguy cơ rơi tự do xuống Trái Đất không xa.
Tiến sĩ Dean Cheng tại Trung tâm nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản (Heritage Foundation) cho rằng việc các nhà chức trách Trung Quốc giữ im lặng về hoạt động của Thiên Cung 1 đồng nghĩa nó đang rơi tự do.
“Trạm Thiên Cung 1 dường như đang rời khỏi quỹ đạo trong tình trạng không kiểm soát”, ông Cheng nhận định. “Khi bạn đưa những vật thể lớn rời khỏi quỹ đạo, bạn cần có kinh nghiệm để kiểm soát chúng khi trở lại bầu khí quyển”.
Tên lửa Trường Chinh 2F mang theo module Thiên Cung -1 rời bệ phóng ở Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan, tỉnh Cam Túc ngày 29/9/2011.
Chuyên gia theo dõi vệ tinh Thomas Dorman cho rằng trạm Thiên Cung có thể rơi tự do trong điều kiện có kiểm soát.
“Lý do Trung Quốc chưa thể đưa Thiên Cung 1 trở lại Trái đất là trạm không gian này đã cạn nhiên liệu và Bắc Kinh đang chờ nó tự rơi xuống một quỹ đạo thấp hơn trước khi họ có thể phá hủy nó trên không trung”, Dorman nói.
Dorman cho rằng nếu trạm Thiên Cung đang rơi tự do, nó nhiều khả năng sẽ đáp xuống biển hay khu vực không có người sinh sống. Nhưng nếu nó rơi xuống khu vực đông dân cư, đó sẽ là một thảm họa.
Trước đó, Văn phòng Kỹ thuật Không gian có người điều khiển Trung Quốc (CMSE) cho biết trong một báo cáo năm 2014: “Thiên Cung 1 cung cấp dữ liệu hữu ích cho quá trình khảo sát khoáng sản, các ứng dụng theo dõi đại dương và rừng cũng như kiểm soát môi trường sinh thái và thiên tai”.
Trạm không gian Thiên Cung 1 trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc sau khi nó được đưa lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2013. Cho đến nay, nó đã nhiều lần ghép nối thành công với tàu vũ trụ Thần Châu của nước này.
Thiên Cung 1 chính thức có mặt tại không gian vào tháng 9/2011. Tháng 6/2012, Thiên Cung 1 kết nối với tàu vũ trụ Thần Châu 9. Một năm sau, Thần Châu 10 kết nối với Thiên Cung 1, cho phép ba phi hành gia trên con tàu vũ trụ tiến hành một thí nghiệm vật lý.
Ba phi hành gia Trung Quốc trong Thiên Cung 1 hồi tháng 6/2013. (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Hồi tháng 2 vừa qua, Trung Quốc cho biết sẽ đưa lên quỹ đạo Trái đất phòng thí nghiệm không gian thứ hai (Thiên Cung 2) trong quý III/2016.
Thiên Cung 2 là tàu vũ trụ được phát triển trên cơ sở của phòng thí nghiệm không gian đầu tiên của Trung Quốc (Thiên Cung 1). Trong khi Thiên Cung 1 có nhiệm vụ thăm dò và lắp ghép trong không gian, Thiên Cung 2 sẽ thực hiện các thí nghiệm ứng dụng trong không gian. Đây là một phần trong chương trình trạm không gian Thiên Cung của Trung Quốc nhằm xây dựng một trạm không gian lớn và có người ở thường xuyên vào năm 2022.
Theo Báo Đất Việt