Trang phục giúp người liệt dễ đi lại

Trang phục giúp người liệt dễ đi lại

Một công ty Nhật Bản vừa cho ra mắt bộ quần áo máy được thiết kế để giúp người tàn tật đi lại và cử động bình thường.

Bộ quần áo có tên Hybrid Assistive Limb (HAL). Đây là sản phẩm của tập đoàn Cyberdyne tại Nhật bản. Nó được tạo ra để “nâng cấp những khả năng thể chất sẵn có của cơ thể người”.

HAL được tạo nên bởi những “chi máy” và có khối lượng 23kg. Đằng sau nó có một túi chứa pin và hệ thống máy tính. Não người sử dụng sẽ điều khiển máy tính. Khi một người muốn cử động, não gửi các tín hiệu thần kinh xuống cơ. Các thiết bị hiện đại có thể phát hiện những tín hiệu đó (dù rất yếu) trên bề mặt da. HAL sẽ xác định những tín hiệu đó nhờ một cảm biến gắn vào da người sử dụng. Sau đó máy tính truyền tín hiệu tới bộ phận nguồn để các chi máy cử động đồng bộ với chi thật. 

Trang phục giúp người liệt dễ đi lại

Bộ quần áo robot được tạo nên bởi các chi máy và nặng 23 kg. (Ảnh: Telegraph)

Những người gặp khó khăn trong cử động – chẳng hạn như liệt do đột quỵ hoặc chấn thương dây thần kinh cột sống – có thể thuê bộ trang phục máy với giá 220.000 yen (1.370 USD) mỗi tháng. Tập đoàn Cyberdyne tin rằng sản phẩm của họ sẽ có nhiều ứng dụng. Chẳng hạn, nó có thể giúp người bại liệt tập đi, hỗ trợ công nhân trong những việc nặng nhọc, cứu người trong thảm họa.

HAL có thể giúp người sử dụng thực hiện nhiều công việc hàng ngày, như đứng lên ghế, bước, leo lên và xuống cầu thang, nâng vật nặng. Bộ quần áo có thể hoạt động trong gần 5 giờ trước khi cần sạc điện. Cyberdyne khẳng định người sử dụng sẽ không cảm thấy nặng khi mặc HAL, bởi bộ khung ngoài của trang phục đã “gánh” hết khối lượng của nó.

HAL được thiết kế để có thể sử dụng trong nhà và ngoài trời. Giáo sư Yoshiyuki Sankai, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành tập đoàn, nói rằng ban đầu ông chế tạo trang phục máy để phục vụ hoạt động leo núi.

Thậm chí HAL có thể hoạt động trong tuyết ở độ cao 4.000 m so với mực nước biển”, tập đoàn Cyberdyne khẳng định.

 

Theo Minh Long – Vnexpress (Telegraph)