Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời tiên tri dự đoán tương lai

0
107
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời tiên tri dự đoán tương lai

Trạng nguyên thời Mạc – Nguyễn Bỉnh Khiêm – không chỉ nổi danh nhờ tài học sâu rộng, tầm nhìn chiến lược, mà còn được người đời tôn kính vì những lời sấm truyền chính xác.

Trong lịch sử khoa cử nước ta, Nguyễn Bỉnh Khiêm là vị trạng nguyên đặc biệt. Ông không nổi tiếng vì thành danh khi còn ít tuổi.

Trên thực tế, Nguyễn Bỉnh Khiêm tham dự khoa thi đầu tiên khi tuổi đã ngoài 40. Dân gian cũng không lưu truyền nhiều giai thoại về các màn đối đáp xuất sắc hay tài ứng xử khéo léo của trạng Trình.

Nguyễn Bỉnh Khiêm được triều đình đương thời trọng dụng bởi tầm nhìn chính trị rộng. Sử sách cũng như người đời thừa nhận, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà dự báo, hoạch định chiến lược kỳ tài, nhà tiên tri số một Việt Nam.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) hiệu là Bạch Vân am cư sĩ, thường được tôn xưng là Tuyết Giang phu tử.

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hiếu học. Đến khi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm cất công tìm đến bái sư học đạo.

Học vấn uyên thâm nhưng sinh phải thời đại nhiều biến cố, ông không vội tham gia khoa cử. Mãi đến năm 1535, dưới thời Mạc Thái Tông thịnh trị nhất triều Mạc, ông mới ứng thí và đỗ trạng nguyên.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những lời tiên tri dự đoán tương lai
Đền thờ trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. (Ảnh: lyhocdongphuong).

Tân khoa trạng nguyên được bổ nhiệm làm Đông các hiệu thử, rồi lần lượt giữ chức Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ lại kiêm Đông các Đại học sĩ.

Khi Mạc Hiển Tông lên ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng vua không chấp nhận. Năm 1542, ông xin về quê.

Hai năm sau, vua Mạc lại mời ông ra làm quan, phong tước Trình Tuyền Hầu, thăng chức Thượng thư bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công. Vì thế, người đời thường gọi ông là trạng Trình.

Sau này, dù không ở kinh đô, Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn lo liệu việc triều chính, giúp vua bàn quốc sự. Khi có chuyện trọng đại, vua thường hỏi ý kiến ông. Việc ông khuyên nhà Mạc lên Cao Bằng đã đi vào sử sách.

Ông cũng từng khuyên Nguyễn Hoàng: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (có tài liệu ghi là Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân).

Không chỉ có tầm nhìn sâu rộng, Tuyết Giang phu tử còn nổi tiếng với khả năng tiên tri. Ngày nay, người đời còn lưu truyền nhiều tiên đoán được cho là của ông và gọi chung là Sấm trạng Trình.

Thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng điều Nguyễn Công Trứ đi khai hoang ở Hải Dương. Nguyễn Công Trứ xem xét địa thế, thấy cần phải phá đền thờ trạng Trình để đào sông.

Sau khi người dân đào bát hương lên, ông thấy dưới bát hương có tấm bia đá phủ vải điều. Nguyễn Công Trứ sai người lau sạch bia thì đọc được mấy câu:

Minh Mạng thập tứ

Thằng Trứ phá đền

Phá đền phải làm đền

Nào ai động đến doanh điền nhà bay.

Ông liền thảo sứ về triều, xin bãi bỏ lệnh phá đền, đồng thời sửa sang lại ngôi đền của vị trạng nguyên nhà Mạc.

Nguyễn Bỉnh Khiêm có thể được coi là người đầu tiên trong lịch sử nước ta nhận thức được tầm quan trọng của việc gìn giữ chủ quyền biển Đông. Trong bài Cự Ngao Đới Sơn (Bạch Vân am thi tập), ông viết:

Biển Đông vạn dặm dang tay giữ

Đất Việt muôn năm vững trị bình

Chí những phù nguy xin gắng sức

Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình.

 

Theo Zing