Tôi nhớ câu chuyện mình đã từng được nghe hồi nhỏ, rằng có một người thợ xây nhà làm việc vô cùng tốt và suốt mấy chục năm, ông chủ của ông ta hết sức hài lòng. Đến một hôm, ông ta đến gặp ông chủ của mình và xin nghỉ việc, bởi ông tự thấy mình đã già yếu rồi, đến lúc cần nghỉ ngơi. Ông chủ đồng ý nhưng vẫn muốn người thợ này cố gắng hoàn thành xong một ngôi nhà cuối cùng. Người thợ xây nhà cho rằng ông chủ đã không chịu lắng nghe mình, nên ngôi nhà cuối cùng này, người thợ chỉ thực hiện qua loa. Không ngờ, ngày hoàn thành ngôi nhà cũng là ngày ông chủ giao cho người thợ xây ấy chiếc chìa khóa nhà, nói rằng đó là ngôi nhà ông chủ tặng cho người thợ già đã giúp đỡ ông ấy suốt mấy chục năm liền. Tôi nghe nhiều người giải thích rằng câu chuyện dạy cho chúng ta về nhân quả…
Nhưng tôi thì cảm thấy rõ ràng, câu chuyện dạy người ta hãy nghe lời ông chủ bất kể khi nào nhận lệnh. Có thể thấy rõ, người thợ xây kia đã bị ông chủ đối xử không công bằng. Ông ấy đã dành cả cuộc đời để tận tâm tận lực làm ra những ngôi nhà tốt, làm ra những đồng tiền cho sự nghiệp làm ăn của ông chủ. Vậy mà khi ông ấy xin nghỉ bởi đã tự lượng sức mình và cảm thấy không thể cố gắng được hơn, ông vẫn bị gây áp lực phải tạo ra một sản phẩm sau cùng. Chưa kể, ông chủ của ông hành xử đúng theo cách của một kẻ ban ơn, khi mà món quà tặng cho người thợ tận tâm của mình cũng phải giữ bí mật đến cùng và biến nó trở thành trò ra lệnh.
Mọi thứ sẽ tốt đẹp và nhân văn hơn nhiều nếu ông chủ của ông ấy nói rằng đồng ý cho người thợ già nghỉ ngơi nhưng muốn tặng ông ấy một ngôi nhà, và ông ấy toàn quyền xây dựng, thiết kế theo ý mình. Chắc hẳn sự việc đã đi theo hướng khác. Bởi lẽ với từng ấy năm cống hiến và cố gắng, người thợ xây nhà ấy hoàn toàn xứng đáng để nhận được một lời thông báo sòng phẳng về món quà, thay vì biến nó trở thành một trò ú tim độc ác. Thậm chí còn đem ra để chế giễu và dạy lại cho những đứa trẻ con, về chuyện nó cần phải nhất nhất nghe lời, nhất nhất chú tâm vào mệnh lệnh nếu không muốn chịu những điều thua thiệt. Như thế, rõ ràng là rất thiếu công bằng.
Trong cuộc sống, có không biết bao nhiêu lần những người làm cha mẹ đã dạy con mình nhất nhất tuân lệnh theo cách đó. Đứa trẻ, ngay từ nhỏ đã được dạy phải nghe lời. Nghe lời trở thành một tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất của đứa trẻ, ngay cả khi nó không hề cảm nhận được ý nghĩa của việc nghe lời ấy. Nó không hình dung được sự liên quan giữa yêu cầu của bố mẹ/thầy cô với cuộc sống của mình.
Còn nhớ, ngày mà người anh họ của tôi nợ tiền game và bỏ dở chương trình ôn thi đại học, bác ruột tôi đã không hề trả nợ giúp con trai. Bác chỉ gọi anh về, không đánh mắng mà yêu cầu anh đi làm thuê cho một tiệm game gần nhà, lấy tiền trả nợ chính số tiền game đã gây ra trên thành phố. Anh cũng phải hoàn thành hết công việc vặt trong nhà để hai em gái của anh đi học. Ban đầu anh kháng cự, nhưng rồi chứng kiến nỗi vất vả của cha mẹ mình, chứng kiến những đồng tiền đi làm thuê thấm đẫm mồ hôi của chính mình ra sao, anh đã lặng lẽ hoàn thành nhiệm vụ đến tận 3 năm với sự lặng yên hối lỗi, chỉ để tiếp tục xin phép hai bác thi lại vào đại học. Lúc này trường đại học đối với anh họ của tôi là một niềm sung sướng, một niềm hạnh phúc lớn mà anh đã một lần để tuột khỏi tay nên quyết tâm giành lại. Anh muốn đến đó, lần này là với cái nhìn của một người đã từng trả giá, mà là giá đắt cho những việc mình làm.
Dù sai lầm, thì anh họ của tôi vẫn có cơ hội – như một khoảng lùi – nhìn rõ việc mình làm. Nó khác hẳn với cách của hơn một ông bố bà mẹ mà tôi biết, họ gọi con về, mắng mỏ chửi rủa, thậm chí là đánh đập nhưng lại trả nợ cho con và tiếp tục ép con thi vào đại học. Đến khi không đỗ lại cố gắng giành lấy cơ hội ở một trường chuyên nghiệp nào đó, nhưng chính con của họ lại hoàn toàn không biết học ở đó để làm gì, học ở đó mang lại niềm vui nào cho cuộc sống – vốn còn đầy những nỗi ham ăn ham chơi của những thanh niên chưa từng tự lực cánh sinh. Chúng đi học với sự hời hợt và mải chơi lêu lổng…
Một người mẹ của bạn tôi thì lại kể câu chuyện về chính con trai bác ấy và cô con dâu cũ. Bác nói rằng ngay từ lần đầu tiên cô con dâu ấy về ra mắt gia đình, bà đã đoán trước kết cục rằng con trai mình sẽ không thể hạnh phúc. Bởi cô gái ấy dù xinh đẹp, ăn mặc toàn đồ điệu đà nhưng tâm hồn lại quá mức thô kệch, giản đơn đến nỗi vô tình. Cách ăn nói tuy cố gắng tỏ ra lễ phép nhưng nghe thì biết ngay đó không phải là thói quen cư xử mà chỉ là sự “làm màu”. Nhưng bác ấy chỉ nói một lần duy nhất với con trai, sau đó anh con trai vẫn khăng khăng lấy cô gái đó, bác vẫn không hề phản đối chút nào. Vẫn làm tròn trách nhiệm của người mẹ đi hỏi vợ cho con trai, và của người bà với cháu nội của mình sau khi họ sinh con. Thậm chí bác lặng lẽ chăm sóc cô con dâu lười nhác mà không một lời chê trách. Cho đến ngày anh con trai buộc phải làm đơn ly hôn với cô vợ bất kham, bác mới nói rằng, thôi không sao, chỉ mong hai người chia tay cho trọn vẹn, tài sản dù ít ỏi cũng nên chia đôi vì cô gái kia sẽ không thể sống nếu không có tiền. Anh chồng tỏ rõ sự cay cú vì cô vợ đã hư còn tham lam, thì người mẹ ấy chỉ nói rằng, đến lúc này con trai bà làm lại cuộc đời vẫn hoàn toàn chưa muộn. Bà sẽ nhận nuôi cháu nếu cô vợ của anh không muốn nuôi con.
Kể lại cho tôi câu chuyện ấy, bà bảo tôi rằng cũng muốn khùng lên mắng mỏ chửi bới mà cấm cản ngay từ đầu, nhưng cũng thấy mình không làm thế được, vì vấn đề là anh con trai của bà nhất định không nhận thấy lựa chọn của mình là một sai lầm. Thôi thì ngày nào anh còn tự cho là mình đúng, ngày ấy bà vẫn lặng yên ở bên cạnh anh.
Những điều ấy khiến tôi thấm thía hơn về cách làm cha mẹ. Đôi khi, chúng ta quá sợ bọn trẻ mắc sai lầm đến mức vô tình tạo ra những sai lầm lớn hơn. Đôi khi, ta cũng không đủ bình tâm để chấp nhận được rằng con cái cần những lần vấp ngã, như một khoảng lùi để nhìn về cuộc sống của mình. Và lũ trẻ cũng vậy, khi làm sai, hãy để con nhận thức được mọi việc, thay vì chỉ một lối tắt nhanh gọn đến đích, là hướng đi để bước tới trong tương lai.
Nguyên Ân
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.