Chiếc cặp nặng – “tội đồ” khiến trẻ cong vẹo cột sống
Thời gian gần đây, khi đưa đón con đi học, chị Linh Nga (Thanh Xuân, HN) giật mình khi thấy cậu con trai 9 tuổi của mình có dáng đi rất lạ, vẹo sang một bên. Lúc đầu chỉ nghĩ con trai có dáng đi như vậy là vì thói quen. Tuy nhiên, chị chỉnh sửa trong nhiều ngày nhưng bé vẫn không trở lại dáng đi thẳng như trước đây nữa.
Một lần, đem thắc mắc của mình ra kể cho một người bạn là bác sĩ nghe, chị được khuyên đưa con đi kiểm tra cột sống. Và chị đã vô cùng sốc khi biết rằng con trai bị vẹo cột sống, nhưng may mắn là mới ở cấp độ nhẹ.
Khi nghe bác sĩ nói bệnh tình con như vậy chị vô cùng choáng váng. Đặc biệt, khi tìm hiểu lý do khiến bé vẹo cột sống, bác sĩ còn cho biết chiếc cặp nặng có thể chính là thủ phạm. Lúc này, chị mới giật mình, đúng là ngày nào bé cũng phải mang chiếc cặp nặng tới 3, 4 kg, trong khi nhà chị lại gần trường nên bé thường xuyên khoác cặp đi bộ tới lớp. Nhiều khi thấy con kêu nặng nhưng chị cũng chỉ nghĩ đó là chuyện nhỏ, không mấy lưu tâm. Ai ngờ, hậu quả lại nặng đến nhường này khiến chị ân hận vô cùng.
Cũng mang nỗi ân hận vì không chú ý chăm sóc con kịp thời dẫn đến tình trạng để con bị vẹo cột sống nhưng sự sơ xuất của chị Ngà (Ngọc Hồi, HN) lại khác. Do vợ chồng anh chị đều làm công nhân, thường xuyên làm tăng ca nên không có mặt thường xuyên vào giờ con gái học bài. Mọi chuyện học hành của con đều nhờ cậy hoàn toàn vào ông bà. Và hàng ngày, thói quen của bé là luôn đem sách vở kê ngay lên đống chăn ở giường ông bà để viết. Ngồi lâu trong tư thế sai nên cột sống bé dần bị vẹo.
Chị chỉ phát hiện ra con bị vẹo cột sống trong đợt bé khám sức khỏe tổng thể. Nhìn bác sĩ chỉ cột sống của con bị cong vẹo trong phim chụp mà chị ân hận vô cùng. Chỉ vì lơ là, thiếu quan tâm đến tư thế ngồi học của con mà giờ đây bé phải mang tật cả đời.
Và những hệ lụy khôn lường
Cong, vẹo cột sống ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe, khả năng học tập, lao động của trẻ. Đặc biệt, với những đứa trẻ, tình trạng bệnh này còn để lại những tác động tâm lý lớn. Nhiều trẻ không dám đến trường hoặc học hành sa sút chỉ vì mấy câu gán ghép của bạn như “lưng gù”, lưng tôm…
Không chỉ ảnh hưởng tâm lý, khi cột sống bị cong vẹo các chức năng của tim, phổi cũng bị ảnh hưởng. Với các bé gái, cột sống cong vẹo còn có thể làm ảnh hưởng đến chức năng sinh nở sau này vì cột sống dị dạng sẽ làm cản trở sự phát triển khung chậu.
Theo bác sĩ Mai Loan, để phòng tránh cho trẻ không bị cong vẹo cột sống, điều đầu tiên là phải rèn cho trẻ tư thế ngồi học chuẩn, vai thẳng, lưng thẳng và khoảng cách mặt với mặt bàn hợp lý. Nên dùng bộ bàn ghế được đóng theo kích cỡ tiêu chuẩn phù hợp với từng độ tuổi. Bố mẹ nên giám sát con khi học để nhắc nhở kịp thời khi con ngồi sai tư thế.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên hết sức lưu ý đến trọng lượng của chiếc cặp mà con mang đi học. Dù ở độ tuổi nào thì bé cũng chỉ nên mang cặp sách có trọng lượng nhỏ hơn 10-15% trọng lượng cơ thể.
Bố mẹ cũng nên lưu ý chọn những loại cặp làm bằng chất liệu nhẹ và dặn trẻ khi đeo cặp nên đeo cả hai vai là tốt nhất để vai không bị lệch.
Ngày nay nhiều cha mẹ cho con dùng loại cặp kéo. Nhìn chiếc cặp này nhiều người nghĩ bé sẽ không phải đeo nặng và do đó không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng kỳ thực loại cặp này dễ khiến bé bị lệch cột sống do phải dồn lực về một bên để kéo cặp nặng.
Vẹo cột sống để lại nhiều biểu hiện như hai vai, hông không đều; xương bả vai bên thấp bên cao, dáng đi lệch. Khi bị vẹo nặng, bé có thể bị gù lưng, đau lưng, khó thở. Hãy đưa bé đi khám sớm nhất khi nghi ngờ bé bị vẹo cột sống hoặc tốt nhất là cho bé khám định kỳ. Khi được phát hiện và chữa trị sớm, bệnh cong vẹo cột sống sẽ được điều trị hiệu quả, nhanh, ít tốn kém hơn.
Trọng Thắng
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.