Khi trẻ em nhìn thấy nỗi đau của người khác, não chúng phản ứng như thể cơn đau đó là của chính mình.
Phản ứng thường có ở người lớn này cho thấy trẻ em ở độ tuổi đi học có khả năng đồng cảm bẩm sinh.
“Điều chúng tôi tìm thấy là con người có xu hướng tự nhiên cộng hưởng với nỗi đau của người khác và đó là một bước quan trọng hướng tới sự đồng cảm”, Jean Decety tại Đại học Chicago, Mỹ, nói.
Trong nghiên cứu, nhóm cho 17 trẻ em tuổi từ 7 đến 12 xem các bức ảnh của những người đang thể hiện sự đau đớn. Trong khi đó các em được chụp ảnh não.
Mỗi bức ảnh thể hiện những tai nạn khác nhau, hoặc vô tình như một quả bóng nặng rơi vào tay, hay chủ ý khi một người sập cửa vào tay người khác.
(Ảnh: Corbis.com) |
Khi cơn đau xảy ra do tai nạn, vùng não xử lý cơn đau ở trẻ liền kích hoạt. Vùng não này cũng nằm trong phản ứng đồng cảm ở người lớn. “Điều này cho thấy trẻ em cũng như người lớn cảm nhận được nỗi đau của người khác”, Decety nói.
Nhưng khi cơn đau bị gây ra do cố ý, những vùng xử lý chức năng xã hội và hành vi đạo đức lại rực sáng. Những vùng này cũng liên quan đến việc đánh giá hiểm nguy.
“Rõ ràng trẻ em đang tìm kiếm một lý do. Khi bạn thấy ai đó bị đau, bạn sẽ muốn biết vì sao. Điều đó chứng tỏ bạn quan tâm tới người khác”, Decety giải thích.
Các nhà nghiên cứu hy vọng kết quả sẽ giúp họ hiểu hơn về chức năng não ở những trẻ có hành vi chống đối xã hội.