Trẻ nhỏ bị béo phì – nguyên nhân và cách cải thiện

Trẻ nhỏ bị béo phì – nguyên nhân và cách cải thiện
Trẻ nhỏ bị béo phì thường do chế độ ăn uống và vận động thể chất không khoa học. Nếu không được kiểm soát, béo phì ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ và cuộc sống sau này của chúng. Do đó, phụ huynh cần có chiến lược nuôi dạy và chăm sóc con hợp lý để ngăn chặn béo phì ở con mình ngay ở tuổi thiếu niên.
Gặp bác sĩ nếu bạn không chắc là trẻ bị thừa cân
Trẻ em có hình dáng cơ thể khác nhau ở từng độ tuổi, cân nặng của chúng cũng vậy. Nếu bạn không chắc là con mình có bị thừa cân không, hãy đưa con đi gặp bác sĩ để được xét nghiệm về tình hình thể chất toàn diện, bao gồm cả cân nặng, chiều cao, dinh dưỡng và các vấn đề liên quan.
Nguyên nhân của bệnh béo phì ở trẻ nhỏ
Trẻ em bị béo phì do lượng năng lượng chúng tiêu thụ nhiều hơn mức năng lượng chúng sử dụng trong các hoạt động thể chất và thể dục. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, nhiều chất béo, nhiều năng lượng kết hợp với lười vận động càng làm gia tăng nguy cơ bệnh béo phì ở trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ bị béo phì – nguyên nhân và cách cải thiện
Ảnh hưởng của bệnh béo phì đến trẻ nhỏ trong tương lai
Bệnh béo phì ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của trẻ ở hiện tại và tương lai. Chúng có thể bị bạn bè chế giễu ở trường và có sự phát triển tâm lý tiêu cực như thiếu tự tin, cáu bẳn, lì lợm, không hòa đồng… Nếu tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể chất không được cải thiện, trẻ có nguy cơ phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe trong tương lai như:
–    Bệnh tim, mỡ máu cao
–    Bệnh tiểu đường loại 2
–    Đột quỵ
–    Huyết áp cao
–    Các vấn đề về khớp
–    Các vấn đề thở
–    Các bệnh ung thư
Làm thế nào để giúp trẻ nhỏ thoát khỏi bệnh béo phì
Khi biết trẻ bị thừa cân, hãy tìm chuyên gia sức khỏe tư vấn để thiết kế một chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể chất phù hợp với trẻ. Sự theo dõi của gia đình, lối sống của gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện kế hoạch giảm cân của trẻ. Do đó, nếu lối sống của gia đình bạn không lành mạnh (ví dụ như việc dùng thực phẩm chứa nhiều chất béo và không khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động thể chất), bạn cần điều chỉnh lại phong cách sống chung của mọi người để giúp trẻ giảm cân hiệu quả.
Chiến lược dinh dưỡng để trẻ có cân nặng khỏe mạnh
Dinh dưỡng đóng một phần quan trọng trong việc điều chỉnh cân nặng của trẻ nhỏ. Hãy chắc chắn rằng bạn đang cho con mình sử dụng những đồ ăn có lợi cho sức khỏe ngay từ khi trẻ còn nhỏ, bao gồm:
–    Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ thay vì dùng sữa công thức.
–    Cho trẻ làm quen với đồ ăn rắn khi trẻ được 6 tháng tuổi.
–    Hạn chế sử dụng các loại chất béo trong thực đơn của trẻ như dầu ăn thực vật, bơ thực vật.
–    Cho trẻ dùng rau củ quả tươi thay vì dùng đồ ăn vặt chế biến sẵn.
–    Hạn chế cho trẻ ăn các loại bánh, khoai tây chiên, chỉ nên cho trẻ ăn từ 1 – 2 lần/tuần.
–    Cho trẻ uống nhiều nước.
–    Hạn chế cho trẻ uống các loại nước ngọt chứa đường và nước đóng hộp.
Chiến lược vận động thể chất để trẻ không bị thừa cân
Song song với việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, phụ huynh cần giúp trẻ thực hiện chiến lược vận động thể chất hợp lý để không bị thừa cân như sau:
–    Khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động tập thể cùng gia đình, bạn bè ở nhà và ở trường, lớp.
–    Không trừng phạt trẻ bằng cách cấm trẻ ăn hoặc thưởng tặng trẻ bằng các đồ ăn nhanh chứa nhiều calo.
–    Quan tâm đến tâm lý của trẻ vì trẻ có xu hướng ăn uống thiếu kiểm soát khi chúng cảm thấy cô đơn và buồn chán.
–    Khuyến khích trẻ đi bộ đi học hoặc đi xe đạp đến trường trong khoảng cách gần.
–    Khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao như các đội bóng, khiêu vũ, bơi lội…
–    Động viên trẻ hòa nhập với bạn bè khi trẻ nghĩ rằng béo phì là xấu .
–    Hạn chế cho trẻ ngồi nhiều, xem TV nhiều, sử dụng máy tính nhiều.
Nguyễn Mai Nguồn: BH

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.