Một nhóm bác sĩ cấp huyện ở Nam Định đã giảm giá lồng ấp xuống còn hai triệu đồng, giúp trẻ em sinh non ở địa phương không phải chuyển lên chăm sóc tại bệnh viện tuyến trên.
Đây là sáng kiến của đội ngũ bác sĩ Bệnh viện huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Sản phẩm lồng ấp cải tiến này vừa được Sở Y tế tỉnh Nam Định trao giải ba sáng tạo khoa học của tỉnh.
Bác sĩ Đinh Quý Xuyên, Trưởng khoa phụ sản, Bệnh viện huyện Nghĩa Hưng, người góp công đầu trong việc cải tiến lồng ấp trẻ sơ sinh, cho biết, nhiều lần đi tập huấn tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, các bác sĩ tận mắt quan sát cấu tạo của lồng ấp trẻ sơ sinh nhập ngoại, những lồng ấp này có giá rất đắt, khoảng 300 triệu đồng. Trong khi đó, lồng ấp “tự chế” của một số bệnh viện tuyến tỉnh lại quá đơn giản: chỉ gồm ngăn giữ trẻ bằng kính, bóng điện chiếu từ trên xuống gây chói mắt trẻ, cánh cửa mở nằm ngay bên rất nguy hiểm cho trẻ nếu quên đóng.
Bác sĩ Đinh Quý Xuyên bên lồng ấp cải tiến.
Từ thực tế này, nhóm bác sĩ Bệnh viện huyện Nghĩa Hưng quyết định tập trung cải tiến lồng ấp trong nước theo cách chế tạo thêm buồng tạo nhiệt đặt dưới lồng buồng ấp để điều khiển nhiệt độ. Đèn chiếu từ trên xuống được chuyển đặt cố định phía dưới tránh gây chói. Cánh cửa bên lồng ấp được đưa lên mặt trên để đảm bảo an toàn. Thiết kế vỏ lồng bằng nhôm theo sơ đồ phác thảo.
Với những cải tiến tưởng chừng đơn giản như thế, các bác sĩ bệnh viện đã tạo ra một lồng ấp trẻ sơ sinh mới phục vụ cho bệnh viện. “Chúng tôi đã hạ giá thành sản phẩm lồng ấp cải tiến xuống chỉ còn hai triệu đồng mà vẫn đảm bảo an toàn cao cho trẻ”, bác sĩ Đinh Quý Xuyên nói.
Sau 6 tháng nghiên cứu, cải tiến, lồng ấp được Sở y tế tỉnh Nam Định phê duyệt và đưa vào sử dụng. Bác sĩ Ngô Thị Phương Loan, Trưởng khoa sản, Bệnh viện Nghĩa Hưng cho biết: “Hai năm sử dụng, lồng ấp của bệnh viện đã phục vụ cho trên 600 cháu. Vào mùa đông, lồng ấp còn được sử dụng triệt để chăm sóc những cháu bé mới sinh, đủ cân bảo đảm thân nhiệt”.
Các bác sĩ giới thiệu tính năng lồng ấp cải tiến.
Ông Đoàn Văn Hạnh, Giám đốc bệnh viện huyện Nghĩa Hưng, nhận định: “Việc cải tiến thành công lồng ấp đã tạo ra một bước ngoặt mới, giúp bệnh viện làm tốt nhiệm vụ chuyên môn ngay tại tuyến cơ sở”.
Cũng theo ông Hạnh, bệnh viện huyện Nghĩa Hưng và các bệnh viện địa phương còn thiếu kinh phí để mua trang thiết bị y tế. Vì vậy, lồng ấp cải tiến nếu được đưa vào sử dụng ở các bệnh viện tuyến xã, huyện, tỉnh sẽ rất thuận lợi. Chỉ cần nghe hướng dẫn, bệnh viện nào cũng có thể làm được loại lồng ấp này.
Bác sĩ Ngô Thị Phương Loan bật mí: “Đã có nhiều bệnh viện tuyến huyện đến học tập để ứng dụng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện lồng ấp để có thể điều khiển tự động khí ôxi và lắp thêm hệ thống camera theo dõi trẻ trực tiếp trên máy”.
Theo Báo Đất Việt