Mặc dù não bộ chỉ to bằng hạt gạo, song chim ruồi có trí nhớ siêu hạng khi cần tìm kiếm thức ăn, một nghiên cứu mới vừa tiết lộ.
Những sinh vật tí hon này chỉ nặng 20 gram hoặc ít hơn và kiếm ăn bằng mật hoa và côn trùng.
Chim ruồi hung đỏ. (Ảnh: Rshantz) |
Nghiên cứu, công bố trên tạp chí Current Biology, cho rằng chúng không những nhớ được nguồn thức ăn ở đâu, mà có thể lập kế hoạch với một độ chính xác nhất định.
“Với chúng tôi, đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy động vật hoang dã có thể nhớ cả vị trí nguồn thức ăn và thời điểm đã đến thăm nó“, Susan Healy, từ Đại học Edinburgh (Anh) cho biết.
Healy và cộng sự ở Anh và Canada đã nghiên cứu những con chim ruồi hung đỏ ở vùng miền núi Canada. Họ phát hiện thấy chim nhớ được địa điểm của từng loại hoa cụ thể và lần cuối cùng chúng đến đánh chén ở đó – hai khía cạnh của trí nhớ phân đoạn vốn được xem là chỉ có ở loài người.
Các nhà khoa học đã tính toán mức độ thường xuyên của những con chim ruồi đến thăm 8 bông hoa nhân tạo được đổ đầy dung dịch đường sucrose trong bãi kiếm ăn của loài chim này.
Với một nửa số hoa, họ đổ đầy đường lại cứ sau 10 phút và 20 phút với nửa còn lại, sau khi các bông hoa đã được hút sạch.
Các con chim quay trở lại thăm các “túi mật” này đều như lên lịch: với những bông hoa được đổ đầy 10 phút một lần, chúng sẽ đến thăm sớm hơn.
“Chúng tôi ngạc nghiên vì khả năng lập kế hoạch của chúng tốt như vậy và rằng chúng đã cố gắng để thu thập một cách hiệu quả nhất với tận 8 bông hoa khác nhau“, Healy nói.
Các nhà khoa học phỏng đoán rằng não của chim ruồi phát triển mạnh như vậy vì chúng phải lập trình cho những chuyến bay dài ngày, và chúng không cần phải tốn thời gian và năng lượng để tìm kiếm thức ăn. Trung bình, những con chim ruồi hung đỏ di cư qua 3.219 km trong mùa đông từ Canada tới nơi có thời tiết ấm áp hơn ở Mexico. Vào mùa xuân, chúng trở về nhà để sinh sản.
T. An
Theo VnExpress/IOL