Trí thông minh không chỉ do di truyền

0
106
Trí thông minh không chỉ do di truyền

Trí thông minh của con người là một khái niệm khó đo lường và khó xác định. Hầu hết các nhà nghiên cứu ngày nay đều cho rằng, trí thông minh của một người là sự kết hợp của kiến thức mà ta học được, các kỹ năng, và khả năng lĩnh hội cũng như khả năng suy luận. Điều này cũng có nghĩa rằng khả năng trí tuệ của chúng ta hình thành và phát triển theo thời gian chứ không phải được xác định và không thay đổi kể từ lúc ta được sinh ra.

Theo trang Discovery, nền tảng cơ bản của trí thông minh thật ra là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố di truyền, còn có các yếu tố khác cũng quan trọng không kém như những thực phẩm chúng ta ăn, môi trường nơi chúng ta sống, đều có ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ của con người.

Yếu tố di truyền

Trí thông minh không chỉ do di truyền

Các nhà nghiên cứu đã dành hơn một thế kỷ để tìm hiểu xem trí tuệ của con người phụ thuộc như thế nào vào bộ gien mà ta được thừa hưởng từ bố mẹ. Và họ đã khám phá rằng, hệ gien thực sự có ảnh hưởng khá lớn đến trí tuệ và chỉ số thông minh (IQ) của một người, tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không đồng nhất mà dao động từ khoảng 40 – 80%.

Thêm vào đó, cấu trúc của bộ não và khả năng thực thi nhiệm vụ của nó cũng góp phần vào mức độ thông minh của một người. Bằng phương pháp chụp hình bộ não, các nhà thần kinh học đã tìm ra những điểm khác nhau trong cấu trúc của các bộ não, đặc biệt là sự khác biệt ở những đường rảnh ở vùng trán, chính là yếu tố ảnh hưởng tích cực/tiêu cực đến khả năng trí tuệ của một người. Hiệu suất hoạt động của những đường rãnh ở khu vực này tương quan với hiệu quả hoạt động của bộ não, cũng như quá trình xử lý thông tin. Đây chính là các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số IQ.

Chế độ dinh dưỡng lúc đầu đời

Trí thông minh không chỉ do di truyền

Trẻ sẽ thông minh hơn nếu được nuôi bằng sữa mẹ?

Theo một nghiên cứu do Terried Moffit thực hiện cùng các đồng nghiệp ở King’s College (Anh), chỉ ở những đứa trẻ được thừa hưởng ít nhất một phiên bản C của gien FADS2 thì trí thông minh mới liên quan đến việc được nuôi bằng sữa mẹ.

Người xưa có câu nói “ăn gì bổ nấy”, và điều này hoàn toàn đúng đối với trẻ sơ sinh. Sức khỏe và trí tuệ của một đứa bé hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ trong lúc mang thai. Khẩu phần ăn trong thai kỳ và chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn đầu lúc bé mới sinh thật sự có liên quan đến cấu trúc của não bộ, đến hành vi, và đến khả năng trí tuệ của trẻ.

Càng được cung cấp nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng trong lúc nằm trong bụng mẹ cũng như trong tuần đầu tiên khi vừa được sinh ra, thì vùng não liên quan đến việc tiếp thu và ghi nhớ càng phát triển. Khẩu phần ăn giàu dinh dưỡng cũng có tác dụng tương tự đối với trẻ được cung cấp các axit béo đa bất bão hòa (như DHA) trong thời gian còn nằm trong bụng mẹ. Nếu trong giai đoạn mang thai và cho con bú, người mẹ ăn nhiều thức ăn có chứa những axit béo này thì trẻ sẽ có trí tuệ phát triển hơn.

Điều kiện nuôi dưỡng

Trí thông minh không chỉ do di truyền

Việc trí thông minh phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố di truyền hay điều kiện nuôi dưỡng vẫn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi và cần có các nghiên cứu lâu dài hơn. Yếu tố di truyền ở đây là sự thừa hưởng về mặt sinh học từ cha mẹ; còn điều kiện nuôi dưỡng chính là những yếu tố ngoại cảnh có tác động và ảnh hưởng đến một người trong quá trình phát triển. Những yếu tố này bao gồm mọi thứ, từ cách nuôi dạy của cha mẹ, môi trường sống trong gia đình, cách chúng ta được giáo dục ở nhà và ở trường, và những trải nghiệm chúng ta có được trong cuộc đời.

Để nghiên cứu sự ảnh hưởng của điều kiện nuôi dưỡng, các nhà khoa học thường nghiên cứu các cặp song sinh bị chia tách và nuôi dưỡng trong hai môi trường khác nhau. Họ đưa ra lập luận rằng, nếu trí thông minh chỉ phụ thuộc vào yếu tố di truyền thì những đứa trẻ song sinh bị chia tách này phải có chỉ số IQ giống nhau; tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trong nhiều trường hợp lại không như vậy. Mặc dù bộ gien mà chúng ta được thừa hưởng từ cha mẹ có tầm quyết định tương đối đối với trí thông minh, nhưng chính chất lượng của sự giáo dục mà ta nhận được cũng như các kinh nghiệm sống lại thật sự có thể khiến ta thông minh hơn.

Thứ tự sinh

Trí thông minh không chỉ do di truyền

Trong hơn một thế kỷ qua, đã có rất nhiều các nghiên cứu về việc liệu thứ tự sinh có ảnh hưởng như thế nào đến trí tuệ con người, song cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Nhiều người tin rằng, những đứa con đầu tiên trong gia đình sẽ thông minh hơn những đứa em. Thực tế cũng cho thấy, những nhân vật nổi tiếng và thành công như phi hành gia, các tổng thống Mỹ, hay những người đoạt giải Nobel, phần đông là con trưởng trong gia đình. Người ta cũng đưa ra lý do khá hợp lý để giải thích cho kết quả này, đó là con đầu lòng hay con một trong gia đình thường nhận được nhiều sự quan tâm chăm sóc hơn.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây lại cho thấy, thứ tự sinh không phải là yếu tố làm ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ (khả năng học hỏi, khả năng lĩnh hội, và suy luận) mà nó chỉ ảnh hưởng đến chỉ số IQ. Các bài kiểm tra chỉ số IQ là phương pháp đo lường thiên hướng tư duy của chúng ta và so sánh kết quả với những người khác. Theo đó, thông thường con đầu thường có chỉ số IQ cao hơn 3 điểm so với người em kế.

Môi trường sống

Trí thông minh không chỉ do di truyền

Ngoài các yếu tố di truyền và dinh dưỡng nói trên, môi trường sống của chúng ta cũng ảnh hưởng đến khả năng trí tuệ. Các tác nhân trong cuộc sống hàng ngày như khẩu phần ăn, các hóa chất ta tiếp xúc hàng ngày, hoặc thậm chí khu xóm chúng ta cư ngụ (có an toàn hay không) cũng đều có ảnh hưởng nhất định đến sự biểu hiện của các gien cũng như hoạt động của bộ não.

Chẳng hạn, việc tiếp xúc với các chất độc có trong khói thuốc lá, ngay từ giai đoạn trong bào thai và trong khoảng thời gian được sinh ra và trường thành, đã được chứng minh là làm suy giảm khả năng trí tuệ, làm sụt giảm chỉ số IQ.

 

Theo Vietnamnet