Trí tuệ nhân tạo biến P-700 Nga thành “sát thủ diệt tàu sân bay”

“Sát thủ tàu sân bay” P-700 Granit được trang bị trí tuệ nhân tạo, cho phép chúng lựa chọn mục tiêu một cách thông minh và hiệu quả.

Từ thập niên 1970, các nhà khoa học Liên Xô đã phát triển những tên lửa đầu tiên được trang bị trí thông minh nhân tạo (AI) cho lực lượng hạt nhân chiến lược và hải quân. Tên lửa hành trình diệt hạm P-700 Granit là một trong những hệ thống vũ khí đầu tiên sở hữu AI tương tự trí thông minh của con người, theo RBTH.

Hệ thống máy tính dẫn đường trang bị trí tuệ nhân tạo của tên lửa diệt hạm P-700 được cài đặt dữ liệu nhận dạng các tàu chiến nước ngoài. Hệ thống này không chỉ tự động tính toán kích thước và hình dáng mục tiêu, mà còn có thể phát hiện tín hiệu điện từ và các thông số đặc trưng khác của từng loại tàu chiến đối phương.


Tên lửa hành trình diệt hạm P-700 Granit là một trong những hệ thống vũ khí đầu tiên sở hữu AI.

P-700 còn được nạp thông tin chiến thuật về các đội hình tàu chiến khác nhau, cho phép tên lửa nhận định chính xác biên đội tàu chiến phía trước là nhóm tàu hộ tống, cụm tàu sân bay chiến đấu hay lực lượng đổ bộ. Dựa vào dữ liệu nhận dạng này, tên lửa sẽ tấn công mục tiêu chính trong đội hình tàu chiến đối phương.

Với tốc độ, khả năng cơ động và uy lực mạnh, P-700 Granit được gọi là “sát thủ tàu sân bay”. Tên lửa này là vũ khí chính của tàu tuần dương hạt nhân Đề án 1144 Orlan và tàu ngầm tấn công Đề án 949A Antey.

Tàu tuần dương và tàu ngầm Liên Xô thường trang bị 24 tên lửa P-700. Chúng luôn được phóng theo loạt 4-8 tên lửa, tạo thành đội hình trên không tiếp cận mục tiêu. Trong đội hình này, một tên lửa sẽ bay cao nhất để thu thập tham số mục tiêu. Thông qua đường truyền dữ liệu (datalink), nó sẽ gửi dữ liệu vị trí và đặc điểm mục tiêu cho những tên lửa còn lại.

Tên lửa chỉ huy này cũng đưa ra chiến thuật và phân công vai trò tấn công cho cả đội hình. Một nửa số tên lửa trong đội hình sẽ nhằm vào mục tiêu chính, một số đóng vai trò nghi binh để vô hiệu hóa hệ thống phòng không đối phương, số còn lại sẽ tấn công các mục tiêu nhỏ hơn.

Trí tuệ nhân tạo trang bị trên các tên lửa P-700 tạo thành một mạng lưới thông minh, liên tục kết nối để hỗ trợ lẫn nhau. Nếu tên lửa chỉ huy bị đối phương bắn hạ, một tên lửa khác trong đội hình sẽ lập tức tăng độ cao và thế chỗ của nó. Nếu mục tiêu chính đã bị tiêu diệt trong loạt đạn đầu, các tên lửa còn lại sẽ nhanh chóng tính toán lại nhiệm vụ, bắt đầu phá hủy các mục tiêu khác theo thứ tự quan trọng.

Tên lửa hiện đại của Nga trang bị AI để nhận dạng mục tiêu.

P-700 nặng 7 tấn, dài 10m, mang theo đầu đạn nổ mạnh nặng 750kg hoặc đầu đạn hạt nhân có sức mạnh tương đương 500.000 tấn thuốc nổ TNT. Sử dụng động cơ phản lực, P-700 đạt tầm bắn 625km với tốc độ gần 2.000km/h ở sát mặt biển và trên 3.100km/h ở cao độ lớn. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính, radar chủ động ở pha cuối, cùng với chế độ bám bắt diệt radar đối phương.

Hải quân Nga đang dần thay thế P-700 Granit bằng những tổ hợp hiện đại hơn như P-800 Oniks hay Kalibr có tầm bắn và uy lực không hề thua kém. Chúng có kích thước nhỏ hơn, cho phép mỗi ống phóng Granit có thể chứa tới ba tên lửa Oniks hoặc Kalibr, giúp chiến hạm Nga mang tới 72 quả đạn, đủ sức đe dọa bất kỳ biên đội tàu chiến nào trên biển.

Hệ thống AI của P-700 cũng được kế thừa và nâng cấp trên các mẫu tên lửa này, giúp tăng sự nguy hiểm của chúng trong chiến đấu, theo chuyên gia quân sự Nga Dmitri Litovkin.

 

Theo VnExpress