Theo một nghiên cứu vừa được công bố tại Mỹ, nước và dioxide carbone (CO2) trước kia tạo nên khí quyển dày đặc của sao Hỏa đã phân tán với nồng đồ thấp trong không gian và có thể hiện diện dưới lòng đất của hành tinh đỏ.
Dựa theo các dữ liệu thu thập bởi tàu thăm dò sao Hỏa Mars Express của châu Âu, một nhóm các nhà nghiên cứu châu Âu đã xác định rằng, khí quyển sao Hỏa biến mất cách đây khoảng 3,5 tỉ năm đã thoát ra một ít trong không gian do tác động của gió Mặt Trời.
Hai tác giả nghiên cứu Stas Barbash (Viện Vật lý không gian Thụy Điển) và Jean-André Sauvaud (Trung tâm Nghiên cứu không gian bức xạ Toulouse, Pháp) khẳng định chỉ có 0,2 đến 4 milibar (đơn vị đo áp suất) của khí CO2 và vài cm nước đã thoát ra không gian.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu khí quyển dày đặc của sao Hỏa đi về đâu và họ cho rằng nó có thể hiện diện dưới lòng đất sao Hỏa.
Hình ảnh nước đá và dioxide carbone trên chỏm Sao Hỏa (Ảnh: nasm.si.edu)
Hai robot tự hành Opportunity và Spirit đã từng xác nhận khí quyển sao Hỏa chứa nước và CO2. Nhiều chứng cứ như những lớp trầm tích, dấu vết về bờ biển và lòng sông cạn khẳng định trên sao Hỏa từng có nước.
Nồng độ hơi nước trong khí quyển rất thấp, nước tồn tại dưới dạng băng trong các chỏm băng và một số miệng núi lửa. Nhưng lượng nước này không đủ để giải thích những dấu vết về địa chất được quan sát, do đó các nhà nghiên cứu khẳng định những khu vực rộng chứa nước có thể hiện diện dưới lòng đất sao Hỏa.
Một bức ảnh được NaSa chụp ngày 13/04/2006 trên mặt Sao Hỏa, để lộ ra những tảng đá bị đẩy trên cát từ núi lửa đã phun. Một nghiên cứu mới đã đưa ra giả thuyết là có thể còn tồn tại những nguồn nước và carbon dioxide ở dưới bề mặt sao Hỏa (Ảnh: Nationalgeographic)
T.Đ
Theo AFP, Đài TH Tp. Hồ Chí Minh