Trung Âu với nguy cơ khô hạn vì biến đổi khí hậu

Ngày 24/1, các chuyên gia khí tượng và biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc và châu Âu cho biết, các nước Trung Âu đã trở thành khu vực đầu tiên bị tác động của biến đổi khí hậu ở châu Âu với nguồn cung cấp nước quan trọng là nguồn nước ngầm đang giảm nhanh, đặc biệt Cộng hòa Séc đã trở thành một trong ít nước khô hạn nhất châu Âu với hơn 50% dân số đang đứng trước nguy cơ thiếu nước nghiêm trọng.


(Ảnh minh họa)

Giáo sư Michal Marek, giám đốc dự án nghiên cứu biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu nhấn mạnh, các nước như Séc, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Áo và Đức đang phải chịu tác động thường xuyên của các hiện tượng thời tiết cực đoan trong 2 năm qua như những thời kỳ nóng và khô kéo dài vào mùa hè cùng với lũ lụt nghiêm trọng và mùa Đông lạnh khắc nghiệt.

Những kỷ lục nhiệt độ mùa đông và mùa hè thường xuyên bị phá trong thập kỷ qua. Các mô hình thời tiết khô, nóng và kéo dài cùng với mưa lớn trong mùa hè điển hình của miền Bắc Italy đang di chuyển hàng trăm km lên phía Bắc và đã bao trùm nhiều khu vực của Áo, Slovakia và Séc.

Các nhà khí tượng và thời tiết Liên hợp quốc và châu Âu cảnh báo những biến đổi như vậy có thể gây nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với nguồn nước của các nước ở Trung và Đông Âu. Nhiệt độ toàn cầu đang tăng lên sẽ dẫn đến những trận mưa lớn hơn diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn hơn trong năm so với trước đây.

Nghiên cứu của Viện Khí tượng thủy văn của Séc đã báo động rằng, vào giữa thế kỷ 21, một số con sông của nước này có thể khô cạn hoàn toàn trong khi các tổ chức sinh thái cảnh báo vào năm 2050, cộng hòa Séc không đủ nước để đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân.

Nhiều thành phố phụ thuộc vào nguồn nước ngầm thừa nhận tác động rõ ràng của nguồn nước này đang cạn kiệt. Các giếng khai thác nước ngầm hiện nay đã phải khoan sâu tới 30m trong khi 30 năm trước đây chỉ cần khoan sâu 8m vào lòng đất.

Các tổ chức sinh thái châu Âu đã kêu gọi các nước Trung và Đông Âu thực hiện những biện pháp khẩn cấp để giữ nguồn nước không bị mất như thay đổi phương thức sử dụng đất, tập quán nông nghiệp, đảo chiều dòng chảy của các dòng sông để giữ nguồn nước.

 

Theo Thông tấn xã Việt Nam