Trứng của một loài chim gọi là guillemot có cấu trúc đặc biệt, cho phép chúng tự làm sạch mà không cần sự can thiệp của chim bố mẹ.
Cuộc nghiên cứu đã được bắt đầu sau khi các nhà khọc học Anh phát hiện đặc điểm kháng nước của trứng chim guillemot, một loài chim anca còn sót lại hiện nay.
Kết quả phân tích sau đó tiết lộ vỏ trứng của loài chim này được trang bị cấu trúc đặc biệt, có hình nón nhỏ xíu trên bề mặt, bảo vệ trứng không bị ướt, theo BBC Nature dẫn lời tiến sĩ Steven Portugal của Đại học Thú y Hoàng gia tại London (Anh).
Chim guillemot có thói quen thả trứng trên các vách đá – (Ảnh: BBC)
“Tôi đã vô ý làm đổ nước chưng cất lên một rổ trứng. Và tôi lưu ý thấy trứng của guillemot phản ứng khác biệt theo hướng các giọt nước hình thành trên bề mặt. Chúng hình thành những giọt nước nhỏ, chứ không chảy tràn xuống trứng”, chuyên gia trên cho biết.
Sự tượng hình giọt nước thành các khối cầu hoàn hảo là dấu hiệu cho thấy đây là các bề mặt kháng nước. Và ví dụ nổi tiếng nhất trong tự nhiên là lá sen.
“Cơ chế này đã được sao chép trong ngành thiết kế, do nó có khả năng tự làm sạch”, theo tiến sĩ Portugal.
“Những khối cầu nước rơi xuống khi chạm bề mặt, và cuốn theo mọi chất bẩn tích tụ”, ông giải thích.
Theo các chuyên gia, sở dĩ trứng chim guillemot được trang bị bề mặt đặc biệt như vậy là nhằm đối phó với môi trường khắc nghiệt nơi vách đá cheo leo.
Chim bố mẹ chẳng màng đến chuyện phải làm tổ, mà cứ vứt bừa trứng trên vách đá, do vậy trứng cần tồn tại được trong môi trường có thể bị nước biển văng trúng, hoặc đá sỏi lởm chởm xung quanh.
Cơ chế tự làm sạch cho phép phôi bên trong có thể thở được, bằng cách lưu chuyển khí ô xy và CO2 xuyên qua vỏ trứng. Các cấu trúc hình nón cũng giúp trứng cứng chắc hơn.
Theo Thanh Niên