50 năm qua, gần 1.000 hồ nước ở Trung Quốc đã biến mất. Nguyên nhân chính do các hoạt động nông nghiệp theo phương thức công nghiệp sử dụng quá nhiều nước, gây ô nhiễm huỷ hoại các hệ sinh thái ở các hồ nước và đầm lầy.
(Ảnh: metcn8) |
Đó là công bố của ông Chu Quang Diệu (Zhu Guangyao), Phó Quốc vụ khanh phụ trách Cơ quan bảo vệ môi trường của Trung Quốc tại Hội nghị quốc tế về Hồ nước tự nhiên lần thứ 11, khai mạc ngày 1/11 ở thủ phủ Nam Xương của tỉnh Giang Tây.
Ông Chu cũng cho biết 75% trong số 20.000 hồ tự nhiên của Trung Quốc và hàng nghìn hồ nhân tạo bị ô nhiễm nước thải chứa ni-trô-gien, phốt-pho và các chất độc hại khác.
Tại tỉnh Hồ Bắc, nổi tiếng là ”thiên đường hồ”, trong những năm 50 của thế kỷ trước có 522 hồ lớn, đến nay chỉ còn 217 hồ; tổng diện tích các hồ tự nhiên ở tỉnh này đã giảm 34%.
Theo ông Chu, nguyên nhân chính khiến diện tích hồ ở Trung Quốc giảm là do các hoạt động nông nghiệp theo phương thức công nghiệp sử dụng quá nhiều nước và gây ô nhiễm huỷ hoại các hệ sinh thái ở các hồ nước và đầm lầy.
Trong hai ngày diễn ra hội nghị, hơn 200 chuyên gia và quan chức môi trường từ các nước thảo luận về các biện pháp quản lý hồ nước, chia sẻ kinh nghiệm trong việc cân bằng phát triển nông nghiệp với bảo vệ hồ nước. Ngoài ra, hội nghị cũng thảo luận về dịch cúm gia cầm và vấn đề bảo tồn môi trường tự nhiên.
Tại hội nghị, ông Marion Hammerl, chủ tịch Quỹ bảo vệ Tự nhiên toàn cầu (GNF) cảnh báo hiện nay quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học của các hồ nước.
Ông kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế phối hợp nỗ lực ngăn chặn tình trạng ô nhiễm hồ nước và tăng cường bảo vệ các hồ và đầm lầy.
Theo Tiền phong, Người lao động