Trung Quốc đặt tên cho nhiều tiểu hành tinh

Trung Quốc đặt tên cho nhiều tiểu hành tinh

Nhiều tiểu hành tinh mới được phát hiện gần đây mang những cái tên xuất xứ từ Trung Quốc như Nam Kinh, Hồng Kông, Thần Châu, Dương Lợi Vĩ… 60 địa phương ở Trung Quốc có tên đặt cho tiểu hành tinh.

Đặt tên tiểu hành tinh từ một sự trùng hợp ngẫu nhiên

Tiếp theo sau “Hành tinh Dương Lợi Vĩ” và “Hành tinh Thần Châu“, việc xin phép dùng tên của hai người anh hùng trên tàu Thần Châu 6 để đặt cho các tiểu hành tinh khác đã thành công. Hai cái tên Phí Tuấn Long (Fei Jun Long) và Nhiếp Hải Thắng (Nie Hai Sheng) sẽ cùng với hai tiểu hành tinh chu du trong vũ trụ.

Mới đây, Đài thiên văn Tử Kim Sơn thuộc Viện Khoa học Trung Quốc cho biết đã lấy tên của hai phi hành gia vũ trụ Trung Quốc nói trên đặt cho hai tiểu hành tinh mới phát hiện

Chuyện như sau: Trước chuyến bay của tàu Thần Châu 6 (phóng đi vào ngày 12/10 và trở về vào ngày 17/10/2005), Đài thiên văn Tử Kim Sơn đã phát hiện được thêm 2 tiểu hành tinh chưa có tên. Sự trùng hợp là hai tiểu hành tinh này đã được đặt hai số hiệu quốc tế là “9512” và “9517“. Hai số cuối của số hiệu này đã vô tình trùng với ngày cất cánh và hạ cánh của tàu Thần Châu 6.

Trung Quốc đặt tên cho nhiều tiểu hành tinh

Phí Tuấn LongNhiếp Hải Thắng, hai phi hành gia vũ trụ Trung Quốc trong chuyến bay của tàu Thần Châu 6 vào ngày 12/10/2005. (Ành: MSN)

Một chuyên gia của Uỷ ban đặt tên các tiểu hành tinh cho biết, việc đề nghị dùng tên của hai nhà du hành của tàu Thần Châu 6 thay thế cho hai số hiệu nói trên hiện đã được Uỷ ban đặt tên các tiểu hành tinh thuộc liên hiệp thiên văn quốc tế phê chuẩn.

Việc dùng các số hiệu để đặt tên đôi khi cũng gặp phải một số trùng hợp ngẫu nhiên rất có ý nghĩa như vậy.

Trung Quốc tăng cường đặt tên cho tiểu hành tinh

Không chỉ có các nhà khoa học, phi hành gia vũ trụ Trung Quốc được lấy tên đặt cho tiểu hành tinh mà cả các các địa danh như Nam Kinh, Hồng Kông, rồi tên của tàu vũ trụ Trung Quốc cũng được đem đặt tên cho tiểu hành tinh.

Theo lời giới thiệu của ông Dương Tiệp Hưng (Yang Jie Xing) – Thư ký Uỷ ban đặt tên các tiểu hành tinh của Đài thiên văn Tử Kim Sơn, tên của các tiểu hành tinh thường do người phát hiện đề nghị với Uỷ ban đặt tên tiểu hành tinh quốc tế, họ thường lấy tên các nhân vật trong truyện thần thoại, tên người, tên địa danh, tên đơn vị..và các số hiệu quốc tế thống nhất như 56088…để đặt tên.

Nói đến chuyện dùng địa danh đặt tên cho các tiểu hành tinh, thì Nam Kinh là một trong những thành phố đầu tiên của Trung Quốc có tên trên vũ trụ. Cũng theo ông Dương Tiệp Hưng, tháng 7/1979, Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc đặt tên cho các tiểu hành tinh, trong đợt đầu chỉ có tên của ba địa danh lớn là Bắc Kinh, Giang Tô và Nam Kinh được sử dụng.

Tiểu hành tinh Giang Tô có số hiệu quốc tế 2077 và tiểu hành tinh Nam Kinh có số hiệu 2078 đều được Đài thiên văn Tử Kim Sơn tại Nam Kinh phát hiện tháng 12/1974 và tháng 1/1975.

Hiện nay tên của hơn 60 tỉnh thành của Trung Quốc đã được đặt cho các tiểu hành tinh, tên của tất cả các tỉnh của Trung Quốc và một số thành phố có thành tích cải cách mở cửa xuât sắc đều đã lên vũ trụ.

Năm 1997, Hồng Kông trở về với Trung Quốc. Một năm sau, Chính quyền Hồng Kông đã nhận được một món quà từ Đài thiên văn Tử Kim Sơn: Cái tên Hồng Kông đã được chu du trong vũ trụ trên tiểu hành tinh có số hiệu quốc tế 3297.

Món quà này của Đài thiên văn đã phải chuẩn bị trong gần 20 năm. Tiểu hành tinh mang số hiệu 3297 đã được Trung Quốc phát hiện từ năm 1978. Khi thấy hai số cuối của tiểu hành tinh này trùng với năm có sự kiện Hồng Kông về với Trung Quốc, các nhà khoa đã không nỡ đặt tên khác cho tiểu hành tinh.

Họ đã cố chờ đợi cho đến khi kết thúc sự kiện mới nộp đơn lên Uỷ ban quốc tế để đặt tên cho tiểu hành tinh này với ý nghĩa, đây là món quà tặng cho người dân Hồng Kông.

Bay khỏi Trái Đất, ngao du vũ trụ là mơ ước của loài người từ hàng ngàn năm nay.

Do đó, tên của những nhà du hành luôn là lựa chọn hàng đầu trong việc đặt tên cho các tiểu hành tinh. Tháng 10/2003, sau khi tàu Thần Châu 5 đưa nhà du hành Dương Lợi Vĩ (Yang Li Wei) trở về trái đất thành công, khi Đài thiên văn này chuẩn bị xin phép lấy tên Dương Lợi Vĩ để đặt cho một tiểu hành tinh mới được phát hiện cách đó không lâu thì phát hiện ra nhà Thiên văn học người Tây Ban Nha Eyster đã dùng cái tên đó để đặt cho một tiểu hành tinh khác rồi. Đó là tiểu hành tinh mang số 21064 được phát hiện từ Đài thiên văn Phương Nam của Châu Âu từ ngày 6/6/1996.

Trung Quốc tuy chậm một bước trong việc đặt tên này nhưng họ cũng tự hào khi cả thế giới quan tâm đến những thành tựu trong ngành HKVT của Trung Quốc. Các nhà khoa học của Đài thiên văn đã lập tức đặt tên cho tiểu hành tinh mang số 8256 mới phát hiện trước đó là “Hành tinh Thần Châu” để tỏ lòng kính trọng đối với các chuyên gia và những người đã góp sức đưa con tàu Thần Châu bay lên.

Tuyết Nhung

 

Theo China.com.cn, VietNamNet