Trung Quốc đang có ý định đầu tư 35 tỷ USD cho dự án xây dựng 5 nhà máy điện hạt nhân tại Anh.
Trung Quốc đã sẵn sàng tạo nên một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực năng lượng, trong tương lai bằng cách đầu tư hàng tỷ USD vào xây dựng hàng loạt các nhà máy điện hạt nhân mới tại đảo quốc sương mù.
Các quan chức thuộc Bộ Công nghiệp hạt nhân Trung Quốc đã có những buổi thảo luận cấp cao với các bộ trưởng và quan chức thuộc Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu (DECC) của Anh về kế hoạch xây dựng 5 nhà máy hạt nhân với tổng vốn đầu tư là 35 tỷ USD.
Tổ chức Hòa Bình Xanh – Greenpeace miêu tả động thái trên như “một sự liều mạng” bởi những lo ngại xung quanh mức độ an toàn. Song chính phủ Anh lại đang tích cực tìm hiểu Trung Quốc như một đối tác trong chương trình hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, EDF – một công ty của Pháp từng đưa ra những kế hoạch xây dựng các lò phản ứng mới tại Anh có khả năng sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc.
Nhà máy điện hạt nhân Wylfa tại Anh
Trung Quốc đã tự vận hành các nhà máy hạt nhân từ năm 1994. Những thành công trong mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp đã thúc đẩy chính phủ nước này nhắm tới Anh như một khách hàng tiềm năng để xuất khẩu công nghệ nguyên tử và khẳng định vị trí trên toàn thế giới.
Các công ty của Trung Quốc hiện đang đầu tư nhiều khoản tiền lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại Anh như dự án sông Thames, xây dựng cảng Felixstowe và nhà máy lọc dầu Grangemouth. Họ còn là những ông chủ nắm quyền điều hành những công ty lớn tại Anh như công ty ngũ cốc Weetabix và nhãn hiệu thời trang Gieves & Hawkes nổi tiếng.
Tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNPC) hiện đang có ý định đầu tư tại Anh, đã tiết lộ kế hoạch gom số tiền 17 tỷ USD thông qua việc bán cổ phần trong nước.
Viện Thiết kế và Nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân Thượng Hải (SNERDI) – cánh tay phải của CNNC cùng 3 nhà đầu tư khác cũng đã tiến hành gặp gỡ và trao đổi với các quan chức cấp cao của DECC trong những ngày vừa qua.
Giai đoạn đầu trong kế hoạch liên quan tới việc CNNC và một công ty nhà nước – Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Quảng Đông tham gia đấu thầu cạnh tranh góp cổ phần vào Tập đoàn Horizon để xây dựng các nhà máy hạt nhân mới như Wylfa thuộc xứ Wales và Oldbury tại Gloucestershire.
Tuy nhiên theo nguồn tin thân cận, hai công ty trên của Trung Quốc còn muốn đầu tư cả vào những công trình tại nhiều khu vực khác như Bradwell tại Essex, Heysham tại Lancashire và Hartlepool tại hạt Durham.
Công ty EDF của Pháp ban đầu đã từ chối đầu tư vào các hạng mục công trình tại những địa điểm trên. Song CNNC lại muốn sử dụng công nghệ hiện tại kết hợp với tập đoàn kỹ thuật hạt nhân Westinghouse của Mỹ để xây thêm 3 lò phản ứng tại Anh.
“Trung Quốc có tiền và kinh nghiệm. Họ đã chọn Anh là một cơ hội để chứng minh khả năng của mình tại một trong những quốc gia có những yêu cầu về môi trường nghiêm ngặt nhất thế giới. Trong tương lai, họ có thể chuyển hướng đầu tư sang cả châu phi và Trung Đông”, một quan chức Anh chia sẻ.
Doug Parr – một nhà khoa học tại Greenpeace nhận định: “Việc Anh chấp nhận khoản đầu tư từ phía Trung Quốc là một sự liều lĩnh. Bởi các công ty hạt nhân Trung Quốc nhận được sự hậu thuẫn từ chính phủ, giúp giải quyết vấn đề tài chính khổng lồ phục vụ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới tại Anh. Điều đó đồng nghĩa với số tiền từ các khoản thu thuế của Anh sẽ chảy vào túi của chính phủ Trung Quốc thay vì Pháp”.
Những tranh cãi xung quanh sự góp mặt của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng của Anh được nhấn mạnh qua phát biểu của Nick Butler – cựu giám đốc chính sách năng lượng của Anh.
Ông Butler cho rằng: “Sự góp mặt của Trung Quốc vào lĩnh vực kinh doanh năng lượng Anh là một điều đáng quan ngại. Trung Quốc đang dần tiếp cận tới cấu trúc phức tạp trong hệ thống điện năng quốc gia của Anh, và tiến tới kiểm soát mạng lưới cung cấp điện cũng như công nghệ hạt nhân của Anh”.
Theo Infonet