Trong nỗ lực giảm bớt sự lệ thuộc vào dầu mỏ trong lúc nhu cầu sử dụng nhiên liệu không ngừng tăng cao, đồng thời hạn chế khí thải ô nhiễm, các nhà khoa học Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu nhiều công nghệ mới nhằm nâng cao sản lượng nhiên liệu sinh học song song với nhân giống cây cải dầu cao sản. Cây cải dầu được các nhà chuyên môn đánh giá là một trong những nguyên liệu tốt nhất để sản xuất dầu diesel sinh học.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho rằng sự phát triển của ngành công nghiệp diesel sinh học toàn cầu đang mang lại nhiều cơ hội cho Trung Quốc, nước có sản lượng cây cải dầu chiếm 30% của thế giới. Nước này hiện trồng 7 triệu hécta cây cải dầu với sản lượng trung bình 13-14 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do công nghệ lỗi thời nên sản lượng diesel sinh học chế biến từ cây cải dầu của Trung Quốc chỉ mới đạt 100.000 tấn/năm.
Năm ngoái, nước này đã nhân giống thành công một loại cây cải dầu cho hạt chứa hàm lượng dầu cao kỷ lục 54,72%. Một trong những dự án diesel sinh học lớn nhất đang được triển khai tại tỉnh biên giới Vân Nam với 25.000 ha cây jatropha curcas (thuộc họ thầu dầu thường được gọi là cây cọc rào và do có hàm lượng dầu cao đến 30% nên còn có tên là “cây diesel”) đã được trồng năm 2006 để cung ứng diesel sinh học cho ô tô.
Đến năm 2020, Trung Quốc ước tính sản xuất 12 triệu tấn nhiên liệu sinh học lỏng như ethanol và diesel sinh học, thay thế khoảng 10 triệu tấn dầu mỏ thương phẩm.
Một đồn điền trồng cây cải dầu ở Trung Quốc.
(Ảnh: TheStandard, Baocantho)
G.H.T
Theo Chinaview, Báo Cần Thơ