Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc dự kiến hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng trước năm 2020.
Trung Quốc chuẩn bị thám hiểm vùng tối của mặt trăng
Nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 là nghiên cứu điều kiện địa chất ở vùng tối của Mặt Trăng. Nếu kế hoạch thành công, Trung Quốc sẽ là nước đầu tiên đưa tàu thăm dò lên khu vực này.
Nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 là nghiên cứu điều kiện địa chất trên vùng tối của Mặt Trăng. (Ảnh: Zuma/Rex Features).
Trả lời phỏng vấn trên kênh CCTV, ông Zou Yongliao, thuộc phòng thám hiểm Mặt Trăng, Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết, nước này còn lên kế hoạch lắp đặt một kính viễn vọng vô tuyến trên vùng tối của Mặt Trăng nhằm phục vụ các nhà thiên văn học, góp phần giúp con người “lấp đầy lỗ hổng” trong hiểu biết về vũ trụ.
Tín hiệu vô tuyến từ Trái Đất không thể truyền tới vùng tối của Mặt Trăng, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để lắp đặt các thiết bị điện tử cực nhạy mà không lo bị nhiễu.
Nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng tiếp theo của Trung Quốc được lên lịch vào năm 2017. Theo đó, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ ba sau Mỹ và Nga hạ cánh tàu vũ trụ không người lái trên bề mặt Mặt Trăng và đem các mẫu vật trở về Trái Đất.
Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò vũ trụ đầu tiên Hằng Nga 1 ở tỉnh Tứ Xuyên vào tháng 10/2007. Tàu Hằng Nga 2 tiếp tục được phóng vào năm 2010 và Hằng Nga 3 vào năm 2013. Hằng Nga 3 đã đáp xuống bề mặt Mặt Trăng vào ngày 14/12/2013.
Theo VnExpress