Các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển một loại camera tinh vi. Khi quét đám đông thông qua thiết bị này, người ta sẽ thấy một thanh đo độ căng thẳng tinh thần hiện lên trên đầu của mỗi người, những kẻ tình nghi đánh bom tự sát sẽ bị đánh dấu bằng khuôn mặt đỏ.
Camera đặc biệt này có thể phát hiện ra những người đang ở trong tình trạng căng thẳng cao độ. Căng thẳng gây ra hàng loạt biểu hiện trên cơ thể như thay đổi nhịp tim, biểu cảm trên khuôn mặt, thân nhiệt. Tất cả những biểu hiện này đều có thể quan sát được từ xa. Tuy nhiên, các chỉ số không phải lúc nào cũng đáng tin. Nếu được tập luyện nhiều, một người có thể học cách kiểm soát nhịp tim.
Đó là lý do tại sao ông Chen Tong, phó giáo sư kỹ thuật thông tin điện tử ở trường Đại học Đông Nam ở Chongqing, Trung Quốc đang nghiên cứu một chỉ số khác là nồng độ ôxy hóa trong máu.
Công nghệ mới sẽ phát hiện được kẻ đánh bom tự sát giữa đám đông
Sử dụng công nghệ quét hình ảnh quang phổ ở mức độ cao – loại công nghệ kiểm tra thông tin thông qua quang phổ điện từ, ông Chen và nhóm nghiên cứu đã phát triển một “cảm biến căng thẳng” đo lượng oxy trong máu thông qua các phần cơ thể lộ ra ngoài như khuôn mặt. Ông Chen nói: “Mức độ căng thẳng tinh thần càng cao thì lượng ô xy hóa trong máu càng cao”.
Nghiên cứu của ông Chen được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc lo ngại về tình hình an ninh khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công chết người ở nơi công cộng. Thủ phạm có thể là những kẻ cực đoan tôn giáo đâm chém bừa bãi ở các ga tàu cho đến những người dân bất mẫn phóng hỏa đốt xe buýt…
Ông Chen cho biết: “Chúng có vẻ ngoài và hành vi giống mọi người bình thường nhưng mức độ căng thẳng tinh thần phải cực kỳ cao trước khi chúng gây ra các vụ tấn công. Công nghệ của chúng tôi có thể phát hiện những kẻ này để giúp những người thực thi pháp luật phòng ngừa và ngăn chặn thảm kịch”.
Khi nhìn vào một đám đông thông qua thiết bị này, người ta sẽ thấy một thanh đo độ căng thẳng tinh thần hiện lên trên đầu của mỗi người, kẻ tình nghi sẽ bị đánh dấu bằng khuôn mặt đỏ.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ có thể sử dụng công nghệ này để nhận diện những người có nồng độ ôxy trong máu cao do căng thẳng chứ không phải dựa vào vẻ ngoài.
Các thí nghiệm công nghệ này đã cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, đưa công nghệ vào thực tế lại đặt ra một thách thức mới. Cản trở lớn nhất là phải phân tích dữ liệu từ xa.
Ví dụ, một cảnh sát triển khai ở một bến xe buýt sẽ cần lọc một lượng dữ liệu khổng lồ và xử lý nó trong một khoảng thời gian ngắn. Các thiết bị nhỏ gọn không thể xử lý dữ liệu với tốc độ này vì thế cảnh sát này sẽ phải gửi thông tin để phân tích ở chỗ khác qua mạng wifi.
Dù vậy, công nghệ này vẫn rất hứa hẹn với giới khoa học. Tuy nhiên, người dân lại lo ngại công nghệ nếu được áp dụng sẽ bị chính quyền lạm dụng.
Theo TTVN/Tiền Phong