Các nhà khoa học Trung Quốc đang áp dụng các kỹ thuật gien và phân tử để phát triển loại rau và cây trồng kháng mặn có khả năng sống trong môi trường nước biển không có đất. Việc phát triển phương pháp này nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ nông nghiệp ở Trung Quốc.
Ngày 5/6, giáo sư Lý Ngân Tâm, nhà khoa học hàng đầu của Trung Quốc trong dự án nghiên cứu “Nông nghiệp xanh”, cho biết qua quá trình thử nghiệm, một số loại cây có thể sống được trong môi trường nước mặn hơn nước biển. Dự án đã sẵn sàng nhân rộng và phân phối giống cây mới có khả năng sống được ở độ mặn tới 8%, gấp 3 lần so với độ mặn của nước biển. Những loại rau thông thường chỉ chịu được độ mặn 0,5%.
Bà Lý Ngân Tâm cho biết, nghiên cứu này vượt trội hơn các công trình nghiên cứu ở các nước khác vì nó tập trung vào mục tiêu phát triển giống cây có thể trồng trong nước mặn mà không có đất.
Phương pháp trực tiếp là cấy gien của các loại thực vật ở biển vào các loại rau đang có hiện nay. Bà Lý Ngân Tâm nói, những loại “rau biển” có hàm lượng protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất cao hơn các loại rau trồng trong môi trường nước ngọt, vì nước biển có nồng độ dinh dưỡng cao hơn
Bước đầu, các nhà khoa học đã tạo ra được một số loại “rau biển”, trong đó có cả dưa chuột và dưa hấu. Trong số này, 4 loại đã qua kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cấp quốc gia và đã được phép trồng rộng rãi.
Theo TTXVN, Tiền phong