Tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tổng điều tra lần thứ tư về các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nhằm thu thập thông tin giúp các nhà hoạch chính sách đề ra những biện pháp nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng ít carbon.
Là quốc gia có lượng phát thải cao nhất trên thế giới, hiện Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực trong nước và quốc tế với yêu cầu giảm mức khí thải. Trong khi đó, quốc gia này cũng phải cố gắng duy trì mức tăng trưởng kinh tế hàng năm 7%, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cả leo thang và nguy cơ bất ổn xã hội tăng cao.
Kế hoạch 5 năm mới đây nhất của Trung Quốc mang đầy tham vọng với cam kết giảm cường độ sử dụng năng lượng (năng lượng tiêu thụ trên một đơn vị GDP) xuống 16% và giảm cường độ phát thải CO2 (CO2 phát thải trên một đơn vị GDP) xuống 17% trước năm 2015 so với số liệu năm 2010.
Kế hoạch này cũng đặt ra mục tiêu cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng với mức tăng trưởng hàng năm 15% và mức tổng sản lượng đạt 720 tỷ USD trước năm 2015 (tương đương 2% GDP).
Trung Quốc hiện đang áp dụng 3 chiến lược để tiến tới mục tiêu.
Thứ nhất là tái cơ cấu ngành công nghiệp bằng cách giảm tỉ trọng công nghiệp nặng và các ngành tạo ra nhiều khí CO2 khác đồng thời tăng tỉ trọng ngành dịch vụ.
Thứ hai, thay thế các nguồn năng lượng carbon cao (như than đá) bằng các nguồn năng lượng sạch như thủy điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Và cuối cùng là khuyến khích các cải tiến kĩ thuật để chuyển đổi sang các công nghệ hiệu quả về năng lượng.
Ngoài ra, theo khuyến cáo của Quỹ Châu Á (AF), dựa trên một nghiên cứu về các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Giang Môn, Quảng Đông thì Trung Quốc nên tập trung vào đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ để đạt được mục tiêu tăng trưởng ít carbon. Nguyên do là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong đóng góp về nguồn thu công nghiệp của các địa phương, song do vẫn sử dụng các phương thức sản xuất truyền thống, chủ yếu dựa vào lao động và tài nguyên, các doanh nghiệp này vẫn khó khăn trong việc đáp ứng các mục tiêu tiết kiệm năng lượng.
Các mục tiêu của quốc gia phát thải lớn nhất thế giới hướng tới một nền kinh tế ít carbon dù tham vọng nhưng quả thực vô cùng cần thiết trong bối cảnh Trái đất đang nóng lên.
Theo Thien Nhien