Trung Quốc thử nghiệm công nghệ thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng

Trung Quốc thử nghiệm công nghệ thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng

Trung Quốc mới đây bàn giao một tàu vũ trụ mới, dự kiến được đưa lên quỹ đạo trong năm nay, nhằm thử nghiệm các công nghệ phục vụ sứ mệnh thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng.

Tàu vũ trụ bay theo quỹ đạo Mặt Trăng được chuyển đến Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương ở tỉnh Tứ Xuyên hôm 10/8. Theo kế hoạch, nó sẽ được phóng lên quỹ đạo trước cuối năm nay.

Trung Quốc thử nghiệm công nghệ thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng
Các chương trình thám hiểm của Trung Quốc bao gồm nhiệm vụ thiết lập bản đồ và thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng. (Ảnh minh họa: AFP)

Sau khi phóng thành công, con tàu sẽ đạt tốc độ vũ trụ (tốc độ một vật cần có để chuyển động theo quỹ đạo tròn gần bề mặt của một vật thể, hoặc thoát khỏi trường hấp dẫn của vật thể khác) và lên Mặt Trăng. Nó sẽ tách một module hạ cánh và sử dụng lực hấp dẫn của vệ tinh để trở lại Trái Đất. Giai đoạn quan trọng nhất của sứ mệnh này sẽ được tiến hành sau khi con tàu quay trở lại. Lúc này, thiết bị trở về Trái Đất sẽ được kiểm tra khi hạ thấp dần độ cao.

Theo RT, nhiệm vụ được thực hiện nhằm kiểm tra công nghệ áp dụng cho tàu thăm dò Mặt Trăng Hằng Nga 5, dự kiến phóng lên quỹ đạo năm 2017. Nhiệm vụ của Hằng Nga 5 là thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng và gửi về Trái Đất.

Các giai đoạn từng được thực hiện theo chương trình Hằng Nga bao gồm thiết lập bản đồ bề mặt Mặt Trăng và đổ bộ thiết bị tự hành Thỏ Ngọc hồi năm ngoái. Trước đó, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ thu thập mẫu đất trên Mặt Trăng vào năm 2017 sau khi nhiệm vụ này thành công.

Trung Quốc từng có ba con tàu vũ trụ thực hiện nhiệm vụ thám hiểm Mặt Trăng là Hằng Nga 1, Hằng Nga 2 và Hằng Nga 3 vào các năm 2007, 2010 và 2013.

 

Theo Vnexpress