Ngày 8-5, chính quyền Bắc Kinh cùng lúc thừa nhận vai trò của các công ty Trung Quốc trong hai xìcăngđan lớn về an toàn thực phẩm và y tế gây xôn xao dư luận thế giới, sau nhiều ngày im lặng hoặc lớn tiếng bác bỏ những lời cáo buộc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ cho biết “một công ty Trung Quốc” đã làm giả chất glycerine (có trong thuốc, mỹ phẩm…) bằng hóa chất cực độc diethylene glycon, và khẳng định công ty hóa chất này không có giấy phép sản xuất thuốc. Nhưng trước đó, phóng sự điều tra của nhật báo Mỹ The New York Times đã chỉ đích danh Nhà máy Taixing Glycerine tại thành phố Hằng Tường. Những kiện hàng glycerine giả này được bán vòng vèo cho một công ty Tây Ban Nha trước khi đến Panama, làm hơn 360 người tiêu dùng Panama thiệt mạng vào năm ngoái.
Cùng ngày, Cơ quan quản lý chất lượng Trung Quốc khẳng định hai công ty công nghệ sinh học Xuzhou Anying (trụ sở tại tỉnh Giang Tô) và Binzhou Futian (tỉnh Sơn Đông) đã cố tình xuất khẩu nguyên liệu thức ăn vật nuôi bị nhiễm melamine gây ung thư và thuốc diệt chuột sang Mỹ và Nam Phi, dẫn đến vụ “khủng hoảng thức ăn vật nuôi” làm chết hơn 8.000 chó, mèo tại Mỹ, châu Âu và Nam Phi. Hai công ty này đã đánh lừa cơ quan kiểm dịch xuất khẩu khi dán nhãn “sản phẩm không phải là thực phẩm” lên các kiện hàng nhập khẩu. Lãnh đạo cả hai công ty đều đã bị bắt.
Xác heo chết trên một con kênh tại Triệu Khánh |
Cũng trong ngày 8-5, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu các trang trại nuôi heo toàn quốc tiêm chủng phòng dịch bệnh. Quyết định được đưa ra sau khi báo chí Hong Kong đưa tin hơn 300 con heo tại tỉnh Quảng Đông chết trong vòng mười ngày qua vì sốt cao và chảy máu.
Một số tờ báo Hong Kong khẳng định 80% trong số 10.000 con heo tại huyện Triệu Khánh, Cao Yếu và Vân Thù (đều ở Quảng Đông) đã chết. Người dân địa phương hiện đang bán tống bán tháo heo bệnh và vứt xác heo chết xuống sông. Hiện Bắc Kinh đã cấm vận chuyển heo từ Quảng Đông đi các tỉnh.
HIẾU TRUNG
Theo AP, NYT, AFP, Tuổi trẻ