Phi thuyền Thần Châu 9 vừa ghép nối thành công với module Thiên Cung 1 trên quỹ đạo trái đất hôm 18/6, đánh dấu một kỳ tích quan trọng trong chương trình thám hiểm không gian của Trung Quốc.
>>>Tàu Thần Châu 9 bay vào quỹ đạo
Xinhua dẫn lời Trung tâm Điều khiển Không gian Bắc Kinh cho biết, nỗ lực ghép nối theo sự điều khiển của con người giữa tàu Thần Châu 9 và Thiên Cung 1 diễn ra vào 14h chiều 18/6. Theo kế hoạch, các phi hành gia trong tàu sẽ bước sang module vào lúc 17h22 cùng ngày.
Hình ảnh tàu Thần Châu 9 và module Thiên Cung 1 trên màn hình
lớn tại Trung tâm Điều khiển Không gian Bắc Kinh. (Ảnh: Xinhua)
Người phát ngôn của trung tâm cho biết, hai vật thể ghép nối sau khi Thần Châu 9 bay 4 vòng quanh địa cầu. Tàu liên tục đổi độ cao trong quá trình bay trước khi tới gần Thiên Cung 1. Sức khỏe của ba phi hành gia rất tốt. Mọi hệ thống liên lạc trên không gian và dưới mặt đất đều hoạt động bình thường để hỗ trợ hoạt động của nhóm phi hành gia trên quỹ đạo.
Tàu Thần Châu 9 bay lên quỹ đạo từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc của Trung Quốc hôm 16/6. Ba nhà du hành vũ trụ tham gia chuyến bay là Jing Haipeng, Liu Wang và Liu Yang, trong đó Liu Yang là phụ nữ Trung Quốc đầu tiên bay vào vũ trụ.
Ba phi hành gia sẽ làm việc trên quỹ đạo hơn một tuần sau khi Thần Châu 9 kết nối thành công với Thiên Cung 1. Hai phi hành gia sẽ làm việc bên trong module Thiên Cung 1 để thử nghiệm các hệ thống hỗ trợ, còn một người ở lại tàu để xử lý các sự cố bất ngờ. Họ cũng sẽ thử nghiệm các hoạt động tiếp tế hàng hóa và người từ địa cầu lên module trên quỹ đạo.
Ghép nối hai vật thể trên quỹ đạo là một kỹ thuật rất khó bởi chúng bay với vận tốc độ lên tới vài nghìn km mỗi giờ. Hai thiết bị phải di chuyển tới gần nhau một cách nhẹ nhàng và chính xác, nếu không chúng sẽ phá hủy lẫn nhau. Tàu Thần Châu 8 và module Thiên Cung 1 từng ghép nối tự động thành công vào tháng 11 năm ngoái.
Theo VNE