Giới chức Trung Quốc lo ngại loài sứa biển nhỏ bé có thể ảnh hưởng đến hoạt động của những tàu sân bay nước này.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang thử nghiệm loại “máy cắt sứa” nhằm giảm thiểu nguy cơ loài nhuyễn thể này có thể làm tắc nghẽn hệ thống vận hành của các tàu sân bay khi chúng bị hút vào bên trong tàu, theo SCMP.
Sứa, kẻ thù mới của tàu sân bay Trung Quốc. (Ảnh minh họa: SCMP).
“Thiết bị cắt sứa này có thể có thể làm sạch các vùng biển bị nhiễm sứa và mang lại sự yên tâm cho thủy thủ đoàn các tàu sân bay”, một nhà khoa học Trung Quốc cho biết.
Theo nhà nghiên cứu Tan Yehui, thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Quảng Châu, loài sứa hiện trở thảnh mối đe dọa nghiêm trọng cho các tàu sân bay bởi những tàu này sở hữu kích thước lớn và hệ thống vận hành phức tạp.
Khi một số lượng lớn sứa bị hút vào qua ống dẫn nước và làm tắc nghẽn hệ thống làm mát, động cơ của tàu sân bay sẽ trở nên nóng quá mức cho phép và ngừng hoạt động. Ngoài ra, việc loại bỏ những con sứa khỏi hệ thống lọc và ống dẫn của tàu sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian.
Theo giới chuyên gia, mặc dù hải quân các nước đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ tàu của mình trước mối đe dọa từ loài nhuyễn thể này, việc phải đi vào các vùng biển có mật độ sứa dày đặc thực sự là vấn đề nan giải.
Năm 2006, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ bị ngừng hoạt động trong một thời gian sau khi đi ngang qua một đàn sứa lớn tại vùng biển ngoài khơi cảng Brisbane của Australia.
“Điều gì từng xảy ra với tàu sân bay của Mỹ thì cũng có thể xảy ra với tàu sân bay của Trung Quốc”, chuyên gia Tan lo ngại.
Theo tạp chí Hebei Fisheries, máy cắt sứa mà Trung Quốc đang phát triển có hình dạng một tấm lưới dài khoảng vài trăm mét, được lắp các lưỡi dao sắc ở giữa. Máy sẽ được một chiếc xuồng kéo đi với tốc độ cao, sử dụng sức mạnh của dòng nước để hút sứa vào những lưỡi dao.
Máy cắt này có khả năng cắt nhỏ sứa thành những mảnh nhỏ dài không quá 3cm, bằng 1/10 kích thước của một con sứa trưởng thành ở các vùng biển của Trung Quốc.
Mô phỏng hoạt động của máy cắt sứa do Trung Quốc phát triển. (Đồ họa: SCMP).
Sau đó một ngày, nước tại vùng biển mà máy cắt hoạt động sẽ bị đục do mảnh sứa bắt đầu phân hủy. Khoảng một tuần sau, nước sẽ trong trở lại khi những mảnh xác này tiêu hủy hoàn tàn.
Tuy nhiên, giới nghiên cứu cũng cảnh báo phương pháp này có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường, như việc những mảnh sứa bị cắt đứt sẽ dạt vào bờ biển, gây hại cho người dân và du khách.
Nọc độc của sứa khi tiếp xúc với da người sẽ gây ra hiện tượng đau rát, viêm nhiễm thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu máy cắt cắt phải những con sứa đang mang thai, một lượng lớn trứng sứa sẽ được giải phóng vào nước và có thể gây nguy cơ bùng phát sứa mạnh vào mùa tới.
Mặc dù nguyên nhân của nạn bùng phát sứa chưa được làm rõ, nhiều nhà sinh học biển Trung Quốc cho rằng nhiệt độ nước biển tăng do hiện tượng thay đổi khí hậu đã tạo điều kiện tốt cho sứa sinh sôi nảy nở.
Ngoài ra, sự xuất hiện của các loài tào biển ở những vùng biển bị ô nhiễm của Trung Quốc cũng là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện nhiều của sứa vốn coi loài thực vật phù du này là thức ăn ưa thích.
Theo VnExpress