Phi thuyền của Trung Quốc và Nga sẽ cùng cất cánh vào tháng 10 năm nay để thám hiểm hành tinh đỏ.
Sao Hỏa và vệ tinh Phobos của nó. (Ảnh: arcadiastreet.com)
Xinhua cho hay, Trung Quốc định phóng Đom đóm 1, tên của tàu thám hiểm sao Hỏa đầu tiên do nước này chế tạo, vào tháng 10/2009 cùng với phi thuyền không người lái Phobos Explorer của Nga từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan. Tuy nhiên, việc phóng hai phi thuyền đã phải hoãn lại.
Một quan chức giấu tên thuộc Viện Công nghệ vũ trụ Trung Quốc tiết lộ rằng việc phóng Đom đóm-1 và Phobos Explorer được lùi tới tháng 10 năm nay. Hai tàu sẽ vượt qua quãng đường 350 triệu km trong 11 tháng để tới sao Hỏa. Trước khi tiến vào quỹ đạo sao Hỏa, chúng sẽ tách rời nhau và hoạt động độc lập.
Đom đóm-1 sẽ khám phá môi trường sao Hỏa và tìm hiểu nguyên nhân khiến nước – từng tồn tại phổ biến trên bề mặt hành tinh đỏ – biến mất. Phobos Explorer sẽ đáp xuống Phobos – một trong hai vệ tinh của sao Hỏa – để thu thập mẫu đất, đá rồi trở về trái đất. Giới khoa học sẽ nghiên cứu các mẫu đất, đá mà tàu đem về để tìm hiểu nguồn gốc hình thành sao Hỏa và trả lời câu hỏi: Sự sống tồn tại trên sao Hỏa hay không?
Vị quan chức nói trên cũng nói Trung Quốc sẽ tự phóng tàu thám hiểm sao Hỏa vào năm 2013.
Trung Quốc đang thám hiểm mặt trăng và việc phóng tàu lên sao Hỏa là bước tiếp theo trong chương trình khám phá vũ trụ đầy tham vọng của Bắc Kinh. Chính phủ Trung Quốc hy vọng một ngày nào đó nước này sẽ sánh ngang với Mỹ và Nga trong lĩnh vực thám hiểm không gian. Hiện tại Trung Quốc là nước thứ ba trên thế giới – sau Nga và Mỹ – tự đưa người lên vũ trụ.
Theo Vnexpress