Truyền dịch được nhiều bệnh nhận xem là cách để nhanh hết mệt mỏi, chóng khỏi ốm. Chính vì vậy, không ít người mỗi khi thấy đau đầu, mệt mỏi lại tìm đến việc truyền dịch. Thậm chí có người quan niệm đây là cách tốt nhất để loại bỏ các độc tố, đào thải những virus, vi khuẩn ra ngoài cơ thể nhanh nhất.
Đã có không ít trường hợp tưởng rằng truyền dịch sẽ chữa khỏi mệt mỏi nhưng rốt cục lại phải nhập viện để điều trị do bị sốc. Cách đây không lâu, ông Chu Đình Thành (Ngọc Phụng, Thường Xuân, Thanh Hóa) khi có triệu chứng mệt mỏi trong người đã tìm đến phòng khám tư gần nhà. Tại đây, ông được truyền dịch với 2 chai nước. Tuy nhiên, khi đang truyền, ông Thành xuất hiện triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, lạnh, sau đó rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong. Kết quả ngám nghiệm tử thi cho thấy, ông Thành bị tử vong do sốc phản vệ trong quá trình truyền nước.
Tại bệnh viện Nhi đồng 2, từng có trường hợp một bé mắc sốt xuất huyết, gia đình chọn truyền dịch nhiều để bé sớm khỏe. Nhưng không ngờ điều này đã khiến cho bé bị phù phổi. Được biết, bé đã được truyền dịch trong 3 ngày liền tại một cơ sở y tế gần nhà. Tuy nhiên, khi truyền dịch đến chai thứ 9 thì tình hình sức khỏe của bé có dấu hiệu trở nặng, xấu đi. May mắn cháu bé được đưa đến sớm nên qua khỏi.
Dịch truyền là dung dịch hòa tan, bên trong chứa nhiều chất khác nhau. Dịch truyền cung cấp đường, muối, chất điện giải, năng lượng…Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng, người bệnh hay bị ốm tự nhờ y tá hay người quen biết về nhà truyền dịch mà không đến cơ sở y tế có bác sĩ và đầy đủ trang thiết bị cấp cứu.
Như đã nói ở trên, dịch truyền cung cấp đường, muối, năng lượng…song bản chất vẫn là một loại thuốc. Cho nên khi sử dụng vẫn cần bác sĩ chỉ định, thăm khám trước khi sử dụng và có liều lượng nhất định. Đáng lo ngại nhất là những cú sốc phản vệ do truyền. Cho nên nếu tự truyền tại nhà hoặc ở nhà y tá sẽ khó cấp cứu khi xảy ra phản ứng. Tỷ lệ người bị sốc do truyền dịch không cao nhưng vẫn có thể xảy ra.
Nguyên nhân dịch truyền dù là đường glucose thì vẫn thành chất lạ với cơ thể. Phản ứng phản vệ sau tiếp xúc vật lạ có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây hoặc vài giờ. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh rất dễ tử vong.
Nguyên nhân, triệu chứng sốc
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tiến Tùng cho hay, nhiều người thường quan niệm, khi ốm hay mệt mỏi cần phải truyền dịch để khỏe là sai lầm. Bởi, đây cũng là một loại thuốc cần sự chỉ định của bác sĩ. “Trường hợp nào cần truyền, trường hợp nào không, mệt ở mức độ nào cần truyền cũng cần phải lưu ý”, bác sĩ nói.
Vấn đề thường gặp khi truyền dịch là sốc phản vệ hay nhiều người còn gọi là sốc. Nguyên nhân do khi bị ốm, cơ thể mệt mỏi dễ bị phản ứng mạnh, có thể do dụng cụ tiêm truyền không được vô trùng, người yếu nhưng nhận lượng dịch vào cơ thể khi truyền với tốc độ nhanh. Mặt khác có những trường hợp tiêm kháng sinh vào chai truyền rất nguy hiểm, có thể gây dị ứng thuốc dẫn đến sốc.
Các triệu chứng nhận biết như lạnh, rét run, mặt tái nhợt, chóng mặt, khó thở…Truyền dịch là một biện pháp tối ưu cho sức khỏe. Tuy nhiên, truyền dịch chỉ thực sự có lợi khi chỉ số trung bình trong máu, các chất đạm, đường, muối, các chất điện giải… thấp hơn mức độ chỉ số bình thường cho phép.
Truyền dịch chỉ an toàn khi có chỉ định của bác sĩ và phải tuân thủ tuyệt đối các quy định trong truyền dịch về tốc độ, thời gian, số lượng… Không nên lạm dụng tiêm truyền với các mục đích không do nhu cầu chữa bệnh. Những trường hợp tự mua dịch truyền có đạm hoặc các vitamin phối hợp để truyền với mục đích làm đẹp da, nâng cao sức khỏe cần phải cân nhắc thận trọng, tránh tai biến nguy hiểm. Với trẻ em, nếu chỉ bị sốt thông thường chưa rõ nguyên nhân mà vội truyền dịch là rất sai lầm.
Cho nên, khi cần truyền dịch phải đến cơ sở y tế để được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Kiểm tra mức độ các chất trong máu để xác định có cần thiết phải truyền hay không. Bên cạnh đó, không được tự tiện truyền tại nhà hoặc nhà y tá, bác sĩ không có đủ thiết bị. Cần phải nhấn mạnh rằng, người bệnh không nên tự tiện, không nên yêu cầu phải truyền dịch để khỏe, vấn đề này do bác sĩ chỉ định.
Vũ Minh
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.