Truyền thuyết kho báu: Kho vàng Yamashita (Phần 4)

Truyền thuyết kho báu: Kho vàng Yamashita (Phần 4)

Nhiều người tin rằng trong thế chiến 2 phát xít Nhật đã cướp bóc được rất nhiều của cải. Do không kịp vận chuyển hết về Nhật Bản, trước khi đầu hàng quân đồng minh, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita đã đem một phần của cải đó cất giấu ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.

Chiến dịch Hoa huệ vàng

Theo Sterling Seagrave và Peggy Seagrave, các tác giả một số cuốn sách nghiên cứu về Nhật Bản, chiến dịch cướp bóc của cải được tổ chức trên quy mô lớn, bằng cả 2 lực lượng là các băng đảng mafia Yakuza như Yoshio Kodama và những người ở tầng lớp cao nhất của xã hội Nhật Bản, bao gồm cả Nhật Hoàng Hirohito. Chính phủ Nhật Bản định cướp bóc tài sản ở Đông Nam Á để hỗ trợ cho cuộc chiến của họ.

Các nhà nghiên cứu Seagrave cho rằng Nhật Hoàng Hirohito đã chỉ định em trai mình là Hoàng thân Yasuhito Chichibu đứng đầu một tổ chức bí mật có tên Kin no yuri (Hoa huệ vàng). Mục đích của Hoa huệ vàng là thu thập, chiếm giữ vàng bạc 12 nước châu Á đang bị Nhật Bản chiếm đóng.

Tại Nam Kinh (Trung Quốc), Nhật thu được hơn 6.000 tấn vàng cùng hàng loạt tiền mặt và tác phẩm nghệ thuật giá trị. Tại Kuala Lumpur (Malaysia), Nhật chiếm được rất nhiều vàng thỏi loại 23,97K, mỗi thỏi nặng 6,25kg.

Tại Campuchia, nhiều tượng Phật bằng vàng và vàng thỏi lớn bị quân Nhật lấy đi. Tại Myanmar, cả ngàn tấn vàng bị cướp đoạt. Tại Philippines, 51 tấn vàng, 32 tấn bạc thỏi cùng một lượng lớn đá quý cũng bị quân Nhật lấy.

Theo nhiều tài liệu và lời kể, của cải lúc đầu tập kết ở Singapore, sau đó chuyển sang Philippines để từ đó đưa về Nhật Bản sau khi chiến tranh kết thúc. Người phụ trách việc này là tướng Tomoyuki Yamashita, tư lệnh quân Nhật ở Philippines, có biệt danh “Cọp Malaya”.

Nhưng chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra, tàu ngầm và chiến đấu cơ của Hoa Kỳ cùng đồng minh phong tỏa đường biển, làm đắm nhiều tàu Nhật, trong đó có một số tàu chở vàng bạc. Quân Nhật phải mang vàng bạc đi chôn giấu ở nhiều nơi tại Philippines và cả Việt Nam.

Những vụ kiện

Ngày 1/1/1970, Tổng thống Philippines khi đó là ông Ferdinand Marcos cho biết sự giàu có của ông là nhờ đào được kho vàng Yamashita. Năm 1992, bà góa phụ Imelda Marcos tái xác nhận chồng bà đã tìm được 4.000 tấn vàng từ kho vàng Yamashita. Nhiều người tin vào điều đó, nhưng nhiều người khác cho rằng đó là cách ông Marcos hợp thức hóa số tiền vơ vét bằng tham nhũng.

Truyền thuyết kho báu: Kho vàng Yamashita (Phần 4)
Vàng được cất giấu ở rất nhiều nơi.

Dù vậy, có nhiều đơn kiện ông Marcos để đòi vàng đào được từ các kho vàng Yamashita. Cuối những năm 1990, một nhóm người xưng là Tiểu đoàn 16 bộ binh Philippines đã đâm đơn kiện ông Marcos vì không chia phần cho họ sau khi giúp ông đào được 60.000 tấn vàng bạc châu báu trong thời gian 1973-1985.

Năm 1999, ông Roberto B. Caoile, người phát ngôn của nhóm, cho biết Tiểu đoàn 16 được tái lập tháng 9/1972 với nhiệm vụ bí mật khai quật các kho vàng Yamashita theo lệnh Tổng thống Marcos. Theo ông Caoile, trong hơn 12 năm tìm kiếm, Tiểu đoàn 16 đã khai quật khoảng 30 trong số 175 kho vàng Yamashita.

Trước đó, năm 1988, một nhà săn kho báu người Philippines tên Rogelio Roxas đã đâm đơn kiện vợ chồng ông Marcos đã ăn cắp của cải ông đào được, mà ông tin là kho vàng Yamashita. Roxas cho biết ông tình cờ phát hiện được một kho báu có 1 tượng Phật bằng vàng, đầu tượng mở ra được và bên trong có nhiều kim cương thô.

Tin tức đến tai Tổng thống Marcos. Roxas bị bắt và bị tra tấn để buộc khai nơi kho báu. Vào đêm trước ngày xử án, Roxas chết một cách bí ẩn, mà nhiều người cho là do Marcos thực hiện.

Kho vàng núi Tàu

Theo lời kể của nhiều người, một chuyến tàu chở vàng Yamashita đã đến khu vực núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) và chôn giấu kho báu ở đó, ước tính khoảng 4.000 tấn vàng. Theo lời ông Trần Ánh, ngụ Liên Hương, Tuy Phong, ông nội ông là ông Trần Mua làm cai đường sắt ở Ga Vĩnh Hảo khoảng năm 1943-1944.

Thời gian này ông Mua phát hiện trên núi Tàu đèn điện rất sáng và có 1 chiếc tàu rất lớn đậu ngoài biển cùng một số lính Nhật đứng canh gác vận chuyển gì đó lên đỉnh núi. Ông Mua đã kể lại cho con trai là ông Trần Băng, Trung đội trưởng Trung đội Bảo an ở Liên Hương. Đến năm 1970, ông Băng nhận lệnh bảo vệ 4 người Hoa Kỳ đi trực thăng từ Sài Gòn ra. Những người này dùng cọc đánh dấu rồi lên trực thăng rời khỏi núi. Sau năm 1975, ông Băng đã đưa con trai là ông Ánh lên núi và tự tay vẽ lại sơ đồ.

Sơ đồ đó sau này được ông Ánh giao lại cho ông Trần Văn Tiệp ở TPHCM, người đã bỏ 50 năm cho cuộc tìm kiếm kho báu núi Tàu. Ông Tiệp thuê 1 đơn vị chuyên nghiệp sử dụng máy khoan, xe ủi, xe xúc đất để tìm kiếm kho báu này.

Hiện ông Tiệp, dù đã 98 tuổi, vẫn tiếp tục việc truy tìm kho báu núi Tàu. Mới đây, TS. Vũ Văn Bằng, đại diện của ông Tiệp, nói nhóm khảo sát đã phát hiện được miệng hang chứa kho báu: “Kho báu chính nằm sâu dưới núi 45m, có đường dẫn vào dài gần 100m. Tuy nhiên, khối lượng kim loại ít hơn rất nhiều so với con số mà cụ Tiệp đưa ra là 4.000 tấn vàng”.

Truyền thuyết kho báu: Mật mã Beale (Phần 3)Truyền thuyết kho báu: Căn phòng hổ phách (Phần 2)Truyền thuyết kho báu: Hồ Toplitz (Phần 1)

 

Theo saigondautu