Truyền thuyết về loài “rắn biển khổng lồ”

Tháng 7/1897, tàu chiến Pháp Avalanche đã đụng độ quái vật biển được gọi là “rắn biển khổng lồ” đến 3 lần trong vịnh Along. Đại bác được nã rần nhưng không chạm được nó. Trước Avalanche, những con tàu khác cũng đã gặp “rắn biển khổng lồ”. Kể từ đó, “rắn biển” trở thành một trong các bí ẩn lớn nhất của động vật học…

  • Lại xuất hiện xác cá rắn khổng lồ
  • Những quái vật của đại dương
  • Quái vật biển có thực sự tồn tại?

Câu chuyện về “rắn biển khổng lồ”

Thực tế và truyền thuyết

Tàu hộ tống Anh Daedalus thực hiện hải trình từ Antilles đến Cap. Ngày 6-8-1848, lúc 16 giờ, trong miền Nam Đại Tây Dương giữa đảo Saint-Hélène và Cap của BonneEspérance (còn gọi là Mũi Giông Tố, nằm ở phía nam châu Phi), dưới làn gió mát tây bắc và bầu trời quang tạnh, viên sĩ quan Sartoris chợt thấy rõ một vật đáng ngờ trong lớp bọt sóng ồ ạt. Sartoris tức thì cảnh báo với chỉ huy M’Quhae trên cầu tàu. Con vật nổi lên mặt biển được nhìn thấy có dáng dấp như rắn biển khổng lồ. Đầu quái vật nhô cao trên mặt nước 2 mét. Một phần thân của nó thấy rõ dài trên 15 mét.


Loài quái vật biển trong truyền thuyết

Quái vật bơi dọc theo con tàu, giữ một khoảng cách. Khi thì nó xuất hiện dưới vỏ tàu, lúc bên mạn trái, lúc lại bên mạn phải tàu. Cả thủy thủ đoàn đều chăm chú quan sát hành động của quái vật trong khoảng 20 phút. Có một điều lạ lùng là vào 10 năm sau, cũng tại vị trí này, chỉ huy tàu Carnatic là Shuckling cũng chứng kiến cảnh tượng tương tự. Đầu tiên, ông tin rằng đó là một thanh gỗ dài, phần sót lại của cột buồm. Nhưng liền sau đó ông thấy “cột buồm” này động đậy và rõ ràng là có cái đầu nhô lên. Quái vật có một vài chi tiết dường như giống với quái vật mà tàu Daedalus đã nhìn thấy.

Các báo cáo của hai vị thuyền trưởng này đã khiến cho báo chí Anh thời đó hao tốn biết bao giấy mực. Các bằng chứng này tiếp tục được xác minh bởi các câu chuyện kể định kỳ của các thủy thủ mà trong đó nghiêm chỉnh nhất là câu chuyện của Vịnh Along xảy ra vào ngày 25/2/1904.

Một vệt đen lạ lùng

Hôm đó, pháo hạm La Décidée chuẩn bị tập trận dưới sự chỉ huy của Đại úy hải quân L’Eost. Buổi chiều, L’Eost chú ý đến một vệt đen dài 300 mét xuất hiện bên mạn trái con tàu. Trên bề mặt của nó có phủ lớp tảo dày có vẻ giống như vảy cá. Pháo hạm La Décidée lừ lừ tiến đến gần vệt đen hơn. Một chiếc canô được chuẩn bị thả xuống biển. Mọi người trên tàu im lặng theo dõi.

Bất ngờ “dải đá ngầm” động đậy mạnh tựa như chuyển động của địa chấn. Đó là một giả thuyết có thể chấp nhận. Song điều đáng ngạc nhiên là biển vẫn tĩnh lặng, ngoài cơn xoáy nước nhẹ do các “khối đá” tạo ra. Thêm vài giây trôi qua, L’Eost hạ lệnh tắt hết các động cơ. Bây giờ viên đại úy không còn tin vào chuyển động địa chấn nữa, mà cho đó là một hay nhiều con vật mà không biết được loài gì. L’Eost chưa kịp ra lệnh thả canô xuống biển thì đột nhiên “các khối đá” thay đổi hình dạng.

Trước sự kinh ngạc của mọi người, một con vật khổng lồ hiện ra là loài bò sát với lớp da sần sùi, màu nâu. Không trông thấy đầu con vật. Bất ngờ “con rắn” biến mất. Không lâu sau đó con vật biển bí ẩn lại xuất hiện cách tàu 150 mét. Lần này nó tiến lên rất nhanh và mọi người thấy được cái đầu hình tam giác và con mắt xếp nếp của nó. Đường kính đầu rắn khoảng 80cm. Quái vật dường như không thấy chiếc tàu.

Theo truyền thuyết, loài rắn biển này đã gây run sợ cho nhiều thế hệ thủy thủ, nhưng lúc này dường như nó vô hại. Nó bơi đằng sau tàu, nổi lên vài giây bên mạn phải tàu và cuối cùng lặn mất.

Phân tích của ngành động vật học

Điều thấy rõ là sự tồn tại của loài “rắn biển khổng lồ” đã ám ảnh nhiều nhà động vật học và động vật học ẩn. Năm 1893, nhà động vật học Hà Lan Oudemans đã xuất bản cuốn sách về bí ẩn này (“Rắn biển khổng lồ”). Ông kết luận rằng đó là một loài động vật chân vây (pinnipède) có dáng như khủng long cổ dài (plésiosaure) và được ông đặt tên là Megophias megophias. Sự mô tả của Oudemans dựa trên cơ sở tập hợp nhiều động vật.

Năm 1965, Bernard Heuvelmans xuất bản một cuốn sách về vấn đề này. Qua nghiên cứu thống kê hàng trăm bằng chứng, Heuvelmans muốn chứng minh rằng “rắn biển khổng lồ” có nguồn gốc phức tạp:

  • Các con vật quan sát thấy, nhưng chưa xác định được vào thời điểm xảy ra sự kiện, và được ghi chép đó là: cá mập voi (cetorhinus maximus), mực thẻ khổng lồ (architeuthis), cá đai (regalecus glane), loài giun vòi to lớn như loài lineus longissimus.
  •  Những con vật không có quan hệ gần gũi với những con vật có dạng rắn chưa được xác định.

Theo Heuvelmans, chiếc cổ dài hiển nhiên là của loài động vật chân vây, còn 4 loài khác có lẽ thuộc bộ cá voi có cổ nhỏ. Con nhiều bướu chắc chắn có quan hệ gần gũi với loài zeuglodonte.

Các bằng chứng mới nhất về rắn biển

Ngày 30/7/1915, tàu ngầm Đức U-28 đánh đắm chiếc tàu Iberia của Anh và nó bị nổ ở độ sâu từ 100 đến 200 mét. Cùng với các mảnh vỡ con tàu bắn tung lên không, một con cá sấu biển khổng lồ dài 20 mét cũng bị hất tung lên cao và rơi xuống giãy giụa trong nước.

Ngày 30/12/1947, con tàu khách Santa Clara của Mỹ va phải một con vật dạng cá chình dài khoảng 15 mét ở ngoài khơi Bắc Carolina. Con vật sau đó bị thương đến chết và máu chảy loang một vùng nước biển.

Tháng 10/1969, ở độ sâu 270 mét ngoài khơi vùng Bermudes, tàu ngầm Alvin “mặt đối mặt” với một con vật khổng lồ đầu loài bò sát và cổ dài. Nhưng không may là con vật đã lặn mất trước khi nó được quay phim. Vào tháng 4/1977, ngư dân đánh lưới rê người Nhật Bản Zuiyo Maru bắt được một vật khổng lồ dài hơn 10 mét. Các bức ảnh chụp cho thấy một con vật cổ dài, đuôi dài giống như loài khủng long cổ dài. Nhưng cũng lại không may là ngư dân đó đã vứt xác con vật xuống biển vì không chịu nổi mùi hôi thối của nó.

Một con rắn biển trôi dạt vào bờ biển nam California, Mỹ hồi năm 2013

Rick Feeney, người quản lý bộ sưu tập sinh vật biển tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles cho biết: “Chúng là những sinh vật tuyệt đẹp, làn da bạc với những vệt màu xanh óng ánh và vây đỏ tươi”.

Ông còn nói thêm: “Hình thể của rắn biển giúp chúng ngụy trang một cách hoàn hảo trong làn nước. Con người chỉ có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì diệu đó mỗi khi chúng trồi lên mặt biển. Sự kiện này cũng gần giống như việc bắt gặp người ngoài hành tinh.”

Theo ông Feeney, việc rắn biển lạc vào vùng nước nông gần bờ là hiện tượng khá hiếm. Chỉ có khoảng 500 trường hợp được ghi nhận kể từ năm 1700 tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Anh, Úc, Mỹ, Mexico, Costa Rica và Nhật Bản.

Hồi năm 2013, hai con rắn biển đã chết và trôi dạt vào một bãi biển ở Mỹ chỉ trong một tuần. Các nhà sinh vật biển đã ngay lập tức thu thập các mẫu vật, đồng thời gửi mẫu tới các tổ chức quan tâm đến loài cá khổng lồ này.

Cho đến nay, lý do tại sao rắn biển dạt vào bờ vẫn còn là một bí ẩn lớn. Rất nhiều giả thiết đã được đưa ra, bao gồm bão, quá trình giao phối, nạn đói và cả bệnh tật.

Rick Feeney cho rằng thủy triều đỏ, động vật ăn thịt, sự biến đổi khí hậu đại dương, con người…là những tác nhân cộng gộp dẫn đến hiện tượng rắn biển dạt bờ.

Ở Nhật Bản thậm chí còn tồn tại những truyền thuyết về việc rắn biển có khả năng dự báo động đất. Tuy nhiên, ông Feeney đã bác bỏ giả thiết này.

Các nhà khoa học đang hy vọng, sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ mang đến những phương tiện hiện đại để vén bức màn bí mật về một loài sinh vật biển đã trở thành huyền thoại.

 

 

Theo An ninh thế giới