Để học cách làm quilling cơ bản, bạn cần có dụng cụ làm quilling. Với cách làm quilling cơ bản dưới đây bạn sẽ có những tác phẩm đầu tay khá dễ dàng.
Quilling là gì?
Xuất phát từ Nhật Bản – xứ sở của xếp giấy Origami, quilling là một nghệ thuật xoắn giấy sử dụng dụng cụ hỗ trợ để xoắn những dải giấy nhỏ thành hình đẹp mắt. Cách làm quilling cơ bản cho người mới bắt đầu không khó, chỉ cần kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo một chút bạn đã có thể cho ra đời những thành phẩm đẹp mắt từ những dải giấy xoắn sắc màu.
Dụng cụ cần có để học cách làm quilling cơ bản
Bộ dụng cụ để làm quilling rất đa dạng, tuy nhiên nếu bạn là người mới bắt đầu học, bạn chỉ cần chuẩn bị những dụng cụ cần có dưới đây để học cách làm quilling cơ bản nhé:
1. Que cuốn giấy quilling
Để làm quilling giấy xoắn, không thể không có que cuốn giấy – trợ thủ đắc lực giúp bạn có những chiếc quilling đa dạng. Có 2 loại que cuốn bạn có thể chọn lựa:
– Que cuốn giấy quilling đầu to: loại này có khe để kẹp giấy xoắn, rất thích hợp cho người mới bắt đầu học làm quilling. Tuy loại này dễ dùng nhưng phần tâm giấy xoắn thường bị to.
– Que cuốn giấy quilling đầu kim cực nhỏ: thường sử dụng khi đã thành thạo trong việc làm quilling
Hiện nay có rất nhiều loại que cuốn giấy được kết hợp từ cả 2 loại trên, hoặc que quilling bằng điện. Nếu không mua, bạn cũng có thể tự chế cho mình chiếc que cuốn bằng đầu kim khâu cũ, tăm nhọn…
2. Giấy xoắn quilling
– Là những dải giấy được cắt nhỏ, kích thước khoảng 1cm trở lên được cắt sẵn với nhiều màu sắc khác nhau. Bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng lưu niệm rất sẵn có, hoặc tận dụng giấy báo, bìa cũ khi bắt đầu học.
3. Keo sữa
Nếu là tín đồ yêu thích làm đồ handmade, hẳn bạn không còn lạ gì với keo sữa. Tuy nhiên, khi sử dụng quilling để làm keo sữa, bạn cần lưu ý như sau:
– Không sử dụng quá nhiều keo sữa để dán sẽ khiến giấy bị mềm, ướt và cong
– Nếu muốn tránh không lấy quá nhiều keo, bạn nên chọn loại hộp có đầu phun nhỏ, rồi dùng đầu kim tiêm gắn vào ống keo.
– Do keo sữa rất dễ khô và vón cục, khi sử dụng nên pha với một chút nước và sau khi sử dụng bạn nên đậy kín để bảo quản.
4. Kéo cắt giấy
– Để làm quilling, bạn chỉ cần sử dụng kéo mũi nhọn (dùng để bấm hoặc tỉa các chi tiết nhỏ) và kéo răng cưa để tạo viền cho dải giấy.
5. Các dụng cụ khác để học cách làm quilling cơ bản
– Bộ định vị quilling và khung: giúp bạn dễ dàng làm quilling với kích thước to nhỏ khác nhau
– Dao trổ
– Lược quilling, kim định vị
– Nhíp gắp
Cách làm quilling cơ bản
Bản chất cốt lõi của việc làm quilling nghệ thuật đó là bạn chỉ cần nắm được các cách làm quilling đơn giản, xuất phát từ hình xoắn tròn chặt. Chỉ cần bạn làm thành thạo khâu này thì những hình khác được biến tấu rất dễ.
Làm quilling tròn chặt: Đầu tiên bạn đặt que cuốn giấy vào đầu dải giấy, sau đó dùng ngón cái và ngón trỏ bắt đầu cuộn dải giấy xung quanh chiếc que cho đến khi hết bạn sẽ có xoắn giấy tròn chặt như hình.
Quilling hình tròn bung: Cũng bắt đầu với cách làm như hình tròn chặt song đến gần cuối bạn bung nhẹ nhàng sẽ được quilling hình tròn bung
Làm quilling hình oval chặt: Với loại quilling này, bạn dùng giấy bản to hơn xoắn chặt ở thân que, xoắn liên tiếp thật chặt tay sau đó bóp nhẹ ở giữa sẽ được hình oval
Quilling hình oval bung: Bạn chỉ cần làm quilling hình tròn bung, sau đó bóp nhẹ ở giữa sẽ được quilling hình oval bung ra như hình
Làm hình giọt nước: Để làm giọt nước, bạn chỉ cần làm quilling hình tròn bung sau đó bóp chặt 1 đầu tạo độ nhọn sẽ được hình giọt nước.
Cách làm quilling hình chiếc lá: Để làm chiếc lá, bạn lần lượt thao tác kết hợp như sau đầu tiên làm hình tròn chặt, sau đó làm quilling tròn bung, rồi bóp nhẹ thân để làm hình oval. Bóp chặt một đầu để làm giọt nước, bóp tiếp đầu còn lại sẽ được quilling hình chiếc lá.
Làm quilling hình bán nguyệt: Bạn làm quilling hình tròn bung, sau đó dùng 2 tay bóp hai đầu tạo độ cong như hình sẽ được hình bán nguyệt
Quilling hình vuông: Từ hình tròn bung, bạn tạo hình chiếc lá rồi dùng ngón cái và ngón trỏ cầm vào hai đầu nhọn của chiếc lá bóp dẹt tạo 2 đầu nhọn còn lại cho hình vuông
Cách làm quilling hình bom: Cũng xuất phát từ quilling hình lá, bạn dùng tay trái cầm một đầu nhọn của chiếc lá rồi lấy ngón trỏ phải ấn nhẹ vào khoảng 1/3 chiều dài của chiếc lá tạo thành 2 góc tù rồi buông ra sẽ được quilling hình bom như hình.
Tạo hình quilling hình khuyết (mặt cú): Bắt đầu làm quilling hình tròn chặt, sau đó buông ra cho lỏng, rồi bạn dùng thân que xoắn giấy ấn nhẹ vào 1 góc sẽ được quilling hình khuyết.
Hình quilling hoa chuông: Sau khi làm xong hình khuyết, chỉ cần dùng mũi que xoắn vuốt nhẹ hai đầu cho vểnh ra sẽ được quilling hình hoa chuông.
Cách làm quilling cơ bản kiểu mở: Cũng tương tự như cách làm quilling tròn bung, nhưng đến gần cuối bạn không dán keo sữa nữa mà để chừa lại một phần giấy.
Từ cách làm quilling cơ bản kiểu mở này, bạn có thể biến tấu để làm thành chữ cái rất đẹp mắt bằng cách ghép các mảnh quilling mở với nhau.
Áp dụng cách làm quilling cơ bản để làm thành những tác phẩm đẹp mắt
Với những hướng dẫn như trên hẳn bạn đã hình dung được cách làm quilling, cũng khá đơn giản đúng không nào! Bây giờ việc bạn cần làm chỉ là ghép những mảnh giấy xoắn này thành một bức tranh theo mẫu hoặc sáng tạo để làm thành những tác phẩm độc đáo cho riêng mình. Chỉ cần nắm được cách làm quilling cơ bản, bạn có thể biến tấu để làm thiệp hoa nổi, tranh 3D, hoa tai và những bức tranh nghệ thuật quilling khác.
Tham khảo một vài mẫu tranh quilling đẹp mắt để bắt tay vào làm ngay thôi nào!
Chúc bạn thực hiện thành công và có những tác phẩm xinh xắn nhé!
Bên cạnh đó, bằng cách làm quilling cơ bản này, bạn còn có thể áp dụng để làm tranh giấy xoắn hay làm trái tim bằng giấy xoắn tặng bạn bè cũng rất đẹp đấy!