Từ “soái ca” thực sự có nghĩa là gì?

Từ

Liệu bạn cho rằng mình đã hiểu đúng, dùng đúng từ “soái ca”? Sự thật sẽ khiến bạn bất ngờ đó!

Soái ca là cụm từ không còn xa lạ với các bạn trẻ yêu thích ngôn tình. Hình tượng soái ca được mô tả với vẻ ngoại hình đẹp trai, tài giỏi, thông minh, lịch lãm, si tình và thủy chung với duy nhất một nữ nhi.


Hình tượng “Soái ca” Hà Dĩ Thâm trong bộ phim Bên nhau trọn đời.

Điều này lý giải vì sao các “soái ca” ngôn tình như Hà Dĩ Thâm (Bên nhau trọn đời – Cố Mạn), Dạ Hoa (Tam sinh tam thế, Thập lí đào hoa – Đường Thất Công Tử) An Dĩ Phong (Đồng lang cộng hôn – Diệp Lạc Vô Tâm) và mới đây là Diệp Vấn lại khiến các thiếu nữ mới lớn đứng ngồi không yên, ngày đêm mộng tưởng.


…hay hình tượng Diệp Vấn khiến thiếu nữ mới lớn đứng ngồi không yên.

Dễ nhận thấy các “Soái ca” ngôn tình và võ thuật không những có ngoại hình dễ coi mà còn có vị trí trong xã hội do tự thân phấn đấu, một khả năng đặc biệt nào đó hay ít ra cũng có phẩm chất nghĩa hiệp, xuất thân danh giá.

Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi soái ca có nghĩa là gì và đến từ đâu chưa? Bài viết dưới sẽ bật mí cho bạn nhiều điều thú vị lắm đó!

“Soái ca” = “Soái” + “Ca”

Cần phải hiểu rằng, từ “Soái” trong từ “Nguyên soái” hoặc “Thống chế”, theo Wikipedia vốn là từ Hán Việt chỉ danh xưng quân hàm sĩ quan cao cấp nhất trong quân đội của một số quốc gia.

“Nguyên soái” còn trên cả cấp bậc Đại tướng, là người nắm quyền lực quân đội, thống lĩnh quân sự tối cao, nắm quyền sinh, quyền sát, quyết định đến cả vận mệnh của dân tộc, nhất là trong thời chiến.

Hình ảnh những vị Nguyên soái vĩ đại, lỗi lạc, đặc biệt là ở các cường quốc, lẫm liệt, oai dũng trong bộ quân phục với những lon, những vạch, sao, huân, huy chương ghi dấu chiến tích oai hùng đã khắc sâu vào tâm khảm của nhân loại niềm kính phục, ngưỡng vọng. Những huyền thoại ly kỳ, bi tráng về các vị Nguyên soái cũng thu hút không ít sự tò mò.


Thiên Bồng Nguyên Soái – Trư Bát Giới trong tích Tây Du Ký.

Trong tích Tây Du Ký, Trư Bát Giới từng chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh ở Thiên Đình và được Ngọc Hoàng thượng đế phong cho chức “Thiên Bồng Nguyên Soái”. Nhưng chỉ vì đam mê nhan sắc của Hằng Nga và buông lời tán tỉnh nên bị đày xuống hạ giới.

Ở Việt Nam, thời chống Pháp, danh tướng Trương Định từng được phong chức “Bình Tây Đại Nguyên soái” trước khi hi sinh lẫm liệt từng làm kinh hồn bạt vía lũ cướp nước, để lại tiếng thơm muôn thuở lưu truyền.

Ở hầu hết các nước châu Âu từ trước đến nay, Nguyên soái được xem là cánh tay phải của hoàng đế, được các vị lãnh đạo tối cao của đất nước vị nể, thậm chí kiêng dè (người nắm quyền lãnh đạo quân đội thét ra lửa, đâu phải chuyện chơi).


Cảnh Sát Thiên Mạch được Hoa Thiên Cốt ôm vào lòng trong phim “Hoa Thiên Cốt”.

Về từ thứ hai, từ “ca”, có lẽ không phải là một từ dễ như ăn kẹo với bất cứ ai. Đại ca, nhị ca, tam ca, ca ca, tiểu ca, từ Hán Việt chỉ người đàn ông, thường đi kèm với tiểu muội, muội muội, tỷ tỷ, đại tỷ… hàng ngày được nhắc nhiều trong phim ảnh.

Vậy “Soái ca” có nghĩa là gì?

“Soái” dĩ nhiên chỉ người đàn ông đứng đầu một đội quân tinh nhuệ, sở hữu những phẩm chất tuyệt đỉnh trong chiến đấu, chỉ đạo chiến thuật quân sự, khó có đối thủ xứng tầm.

TừSoái” trong từ “Tướng soái”, “Nguyên soái”được các bạn trẻ thời hiện đại trẻ hóa khi ghép với từ “ca” thành ra một danh từ hay hay, đọc lên nghe rất kêu và rất “oách”: “Soái ca”.

Vậy “soái ca” theo nghĩa gốc chỉ người nam giới oai phong, lẫm liệt, có bản lĩnh, nắm quyền sinh quyền sát, có thể quyết định vận mệnh của cả dân tộc.


Còn “soái ca” hiểu theo nghĩa hiện nay, là để chỉ một anh chàng đẹp trai, lịch thiệp, phong độ…

Còn “soái ca” hiểu theo nghĩa hiện nay, là để chỉ một anh chàng đẹp trai, lịch thiệp, phong độ, nhà giàu, thậm chí có quyền lực, giải quyết mọi chuyện bằng cú điện thoại hay cú phất tay đúng nghĩa. Hay hiểu nôm na, “soái ca” là nhân vật Mr.Perfect – một anh chàng luôn là mơ ước của mọi cô gái.


Từ văn chương, phim ảnh vào đời thường, có vẻ như cư dân mạng đang dùng từ “Soái ca” hơi dễ dãi. (Nguồn ảnh: Myeva).

Từ văn chương, phim ảnh vào đời thường, có vẻ như cư dân mạng đang dùng từ “Soái ca” hơi dễ dãi khi nghiễm nhiên “phong tặng danh hiệu” này cho các anh chàng hào hoa phong nhã nên mới có “Soái ca” mặc quân phục, “Soái ca” bánh tráng trộn, “Soái ca” xe bus, “Soái ca” cảnh sát giao thông…

Gọi như vậy có “chuẩn” không khi mà “Soái ca” từ chỗ hiếm hoi như lá mùa thu đã trở nên nhan nhản đến nỗi khiến nhiều người bắt đầu dùng cụm từ này với ý giễu cợt?

Bản thân danh xưng “Soái ca” không có lỗi, gốc gác từ loại này cực kỳ nghiêm túc, quan trọng là cách ứng xử với mỗi người mà thôi.

 

Theo Trí Thức Trẻ