Từ lâu, khoa học đã đi sâu tìm hiểu cách thức khí hậu và thảm thực vật ảnh hưởng đến sự tiến hoá của tổ tiên loài người tại Châu Phi. Nhưng hiện các nhà địa chất học thuộc đại học Utah lại hướng chúng ta đến một quan điểm hoàn toàn mới: Chính sự vận động của vỏ Trái đất tạo nên đồi núi và thung lũng làm nảy sinh môi trường cho quá trình phát triển của loài người.
Bài viết của Royhan và Nahid Gani sẽ được đăng tải trên tờ Geotimes số ra tháng 1 năm 2008, cơ quan ngôn luận của Viện địa chất Hoa Kì có viết: “Kiến tạo đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá của con người”.
Họ đưa ra quan điểm rằng, chính sự nâng lên nhanh chóng của đồi núi và cao nguyên trải dài từ Ethiopia đến Nam Phi đã ngăn chặn luồng hơi ẩm từ đại dương vào lục địa, khiến những cánh rừng nhiệt đới tươi tốt biến thành vùng đất đai khô cằn chắp vá giữa rừng và đồng cỏ xavan. Sự thay đổi này dần dần khiến cho tổ tiên chúng ta vốn sinh sống trên cây phải xuống mặt đất và đi bằng hai chân để có thể tìm kiếm nguồn thức ăn phong phú hơn trong một môi trường khắc nghiệt.
Nahid và Royhan Gani, hai nhà địa chất học thuộc Viện Khoa học địa chất và năng lượng, đại học Utah, đứng trên cao nguyên Ethiopia gần đèo Nile được tô điểm bởi sông Nile xanh thẳm. Hai vợ chồng Gani đang nghiên cứu tuổi của hẻm núi để tìm hiểu về quá trình vận động của vỏ trái đất có liên quan đến sự tiến hoá của loài người. (Ảnh: Solomon Gera, Nghiên cứu địa chất Ethiopia)
Trong bài viết, hai vợ chồng Gani cũng mô tả dải cao nguyên và đồi núi trải dài 3.700m với cái tên “Tường thành của châu Phi”. “Bức tường” này song song với thung lũng Rift nổi tiếng ở Đông Phi nơi có rất nhiều hoá thạch người cổ đại được tìm thấy.
Royhan Gani, vốn là trợ lý giáo sư nghiên cứu về xây dựng dân dụng và môi trường, cho biết: “Sự vận động của vỏ Trái đất đã khiến môi trường thay đổi nhanh chóng vào khoảng 7 triệu năm trước đây. Từ đó kéo theo thay đổi khí hậu từ phạm vi cục bộ đến cả vùng rộng lớn. Điều này đã thúc đẩy loài người tiến hoá lên từ vượn”.
Homonin là thuật ngữ khoa học mới được dùng để chỉ con người và tổ tiên (bao gồm người Ardipithecus, Paranthropus và người Australopithecus) tách ra từ loài vượn khoảng 4 đến 7 triệu năm trước. Những đại diện Hominin xuất hiện sớm nhất là người Ardipithecus ramidus cách đây 4,4 triệu năm. Tiến hoá hơn nữa là người Homo xuất hiện cách đây 2,5 triệu năm và đại diện của loài người hiện đại chúng ta, người Homo sapiens, góp mặt trên trái đất từ 200.000 năm trước.
Từ năm 1983, người ta đã bàn luận về sự kiến tạo, bao gồm các phiến kiến tạo luân phiên và sự hình thành đồi núi, thung lũng, lòng chảo đại dương, là một yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tiến hoá của con người.
Theo Royhan Gani, rất nhiều các cuộc thảo luận trước đó về ảnh hưởng của khí hậu đối với sự tiến hoá của loài người chỉ tính đến thay đổi khí hậu toàn cầu gây ra bởi sự thay đổi quỹ đạo theo chu kì khi Trái đất chuyển động quanh Mặt trời chứ không phải thay đổi khí hậu cục bộ và theo khu vực do địa hình Đông Phi được nâng lên.
Nội lực của trái đất.
Nguồn nội lực hình thành nên châu Phi bắt nguồn từ sâu trong lòng đất khiến những khối đất đá nóng chảy khổng lồ trồi lên (gọi là “superplume”) vào khoảng 45 triệu năm trước. “Superplume” và các nhánh nhỏ của nó đã ngăn cách châu Phi và dãy kiến tạo Arập, tạo thành biển Đỏ, vịnh Aden và thung lũng Great Rift kéo dài từ Syria đến phía nam lục địa.
Từ quá trình này, Châu Phi bị tách dọc theo khe nứt Rift Đông Phi rộng đến hàng trăm dặm được bao quanh bởi “những bờ vai lực lưỡng” rộng vài chục dặm được tạo nên bởi sự trồi lên của khối đất đá.
Khe Rift Đông Phi trải dài 3.700 dặm từ cao nguyên Ethiopia theo hướng Nam – Tây Nam đến cao nguyên Karoo phía nam lục địa. Nó rộng đến 370 dặm với nhiều ngọn núi đạt mức cao tối đa của châu lục, khoảng 19.340 fit, thuộc dãy Kilimanjaro.
(Ảnh: Foxnews)
Nahid Gani cho biết, khe nứt “đặc trưng bởi những ngọn núi lửa, cao nguyên, thung lũng, lòng chảo lớn và những hồ nước ngọt”, còn có cả những địa điểm nơi rất nhiều hoá thạch người nguyên thuỷ và tổ tiên được tìm thấy. Cách đây 40 triệu năm, một số đồi núi cũng hình thành ở Đông Phi nhưng “phần lớn đặc điểm địa hình châu Phi ngày nay khởi nguồn trong khoảng 7 đến 2 triệu năm trước”.
“Bức tường” xuất hiện, loài mới hình thành.
Nahid và Royhan Gani viết: “Mặc dù “tường thành” châu Phi hình thành từ 30 triệu năm trước, nhưng những nghiên cứu mới đây đã chứng tỏ hầu hết quá trình xảy ra vào khoảng 7 đến 2 triệu năm trước – thời điểm người Homonin tiến hoá từ vượn châu Phi hình thành người Bepedalissm với bộ não lớn hơn”.
Royhan Gani nói: “Tự nhiên đã xây dựng “bức tường” này để loài người có thể tiến hoá, đứng thẳng và suy nghĩ. Liệu có còn đặc điểm nào của bức tường giúp thúc đẩy sự tiến hoá của con người nữa hay không?”
Ông tin rằng câu trả lời chính là môi trường và thảm thực vật biến thiên hình thành sau sự xuất hiện của “tường thành” châu Phi. Nó tạo nên “một rào chắn địa hình đối với hơi ẩm từ biển Ấn Độ” làm khí hậu khô hơn. Trái ngược với ý kiến tin vào chu trình khí hậu toàn cầu, Royhan cho biết thay đổi khí hậu ở Đông Phi mang tính cục bộ và do sự nâng lên ở những phần khác nhau của “bức tường” vào những thời điểm riêng biệt. Những cánh rừng biến thành những vùng chắp vá đồng cỏ xavan xen rừng không xuất hiện cùng một lúc ở mọi nơi thuộc khu vực này, và nó cũng xảy ra tại Đông Phi muộn hơn những vùng khác trên thế giới.
Hai nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ lưỡng cao nguyên Ethiopia – phần nổi bật nhất của “tường thành” châu Phi. Nghiên cứu trước đó cho thấy cao nguyên này đạt đến chiều cao trung bình 8.200 feet hiện tại từ 25 triệu năm trước. Họ cũng đã phân tích tốc độ sông Nile xanh cắt ngang cao nguyên Ethiopia tạo nên một hẻm núi lừng danh sánh cùng Grand Canyon ở Bắc Mỹ. Kết quả đã được công bố trên số ra tháng 9 năm 2007, tờ GSA Today do Hội địa chất Hoa Kỳ phát hành.
Kết luận: Giai đoạn ăn sâu và nâng lên với tốc độ trung bình đến vừa phải diễn ra từ 29 đến 10 triệu năm trước, nó tái diễn khoảng từ 10 đến 6 triệu năm trước, nhưng giai đoạn nhanh nhất của cao nguyên Ethiopia (cao 3.200 feet) xảy ra cách đây 6 đến 3 triệu năm.
Theo tờ Geotimes, các nghiên cứu khác đã phát hiện dãy Kenya – một phần của “bức tường”, hình thành chủ yếu từ 7 đến 2 triệu năm trước, dãy núi ở Tanganyika và Malawai từ 5 đến 2 triệu năm trước. Phần cực nam của “bức tường” chủ yếu “tăng chiều cao” trong giai đoạn cách đây 5 triệu năm.
Trong bài của Nahid và Royhan có ghi: “Rõ ràng “tường thành” châu Phi là hiện tượng nổi bật nhất cách đấy 7 triệu năm. Do đó, nó đóng vai trò lớn trong việc làm khô khí hậu châu Phi bằng cách ngăn luồng hơi ẩm khỏi khí hậu gió mùa bao quanh khu vực”. Thời điểm này trùng với thời gian mà tổ tiên của loài người tiến hoá tại đây.
Royhan Gani cho biết, những đại diện đầu tiên của người Australopithecus anamensis đi bằng hai chân xuất hiện 4,1 triệu năm trước đây. Nhưng một số lại tin rằng con người đứng thẳng thực sự đã xuất hiện từ 6 đến 7 triệu năm trước.
Nahid và Royhan cho rằng, sự hình thành môi trường thay đổi do lực kiến tạo (lòng chảo, thung lũng, núi, đồng cỏ và rừng) “về sau cũng tác động đến việc hình thành não lớn hơn ở người homonin để thích nghi với môi trường hay thay đổi”, trong đó họ phải kiếm tìm thức ăn và chống lại động vật săn mồi.
Hiện tại, Royhan Gani cũng thừa nhận do thiếu khung thời gian chính xác nên việc kết nối các sự kiện địa chất cụ thể với quá trình phát triển dáng đứng thẳng, bộ não lớn và những bước mấu chốt khác trong quá trình tiến hoá của con người trở nên vô cùng khó khăn.
Ông nói: “Dù thế mọi sự kiện vẫn xảy ra đúng lúc. Và hiện chúng tôi cần phải sâu chuỗi chúng với nhau”.