Phong năng đang ngày càng được ưa chuộng trên toàn thế giới để tạo ra nguồn năng lượng sạch, tái sinh. Tuy nhiên, cư dân gần các trang trại gió không hài lòng về mặt thẩm mỹ cũng như các xung động tần số thấp tạo ra khi cánh quạt quay.
Để khắc phục tình trạng trên, Công ty thiết kế New York Atelier DNA đã sáng tạo mẫu turbin gió rất khác lạ với tên gọi Windstalk, có thể sản xuất ra lượng điện năng tương đương với turbin cánh quạt truyền thống.
Hình dáng của Windstalk giống như một cây hương bồ khổng lồ với chiều cao 55m, được neo trên phần đế có đường kính từ 10-20 m. Phần thân bao gồm 1.203 sợi carbon gia cố bằng nhựa dẻo. Cây này có đường kính thân 30 cm ở gốc và nhỏ dần ở ngọn là 5 cm. Trên phần đỉnh là một chồng đĩa gốm áp điện, giữa có các điện cực được nối bằng những sợi cáp chạy theo chiều dài của mỗi cực và một cáp kết nối tất cả các cực với nhau. Với cấu tạo như vậy thì thay vì phải quay cánh quạt theo cách thông thường để phát điện thì Windstalk sẽ lắc lư, đu đưa theo chiều gió, ngăn xếp của các đĩa áp điện sẽ được nén, tạo ra một dòng điện qua các điện cực. Ở phần 50 cm tại đỉnh được gắn một đèn LED, sẽ sáng rõ khi gió mạnh và mờ đi khi gió yếu.
Điều quan trọng là nhờ sức gió để tạo ra điện năng nên với Windstalk người ta phải nghĩ ra cách lưu trữ năng lượng một cách hợp lý. Trong lòng của các Windstalk là cấu trúc mô-men xoắn, hai đầu cực là hai khoang chứa chất lỏng, khi gió thổi, một phần năng lượng tạo ra sẽ đẩy nước từ ngăn thấp đến ngăn cao nhất. Khi gió lặng thì nước sẽ chảy từ khoang cao xuống thấp hơn để tiếp tục phát điện.
Trên thực tế thì dự án Windstalk chỉ mới là ý tưởng. Vì vậy, các nhà thiết kế chưa xác định hình dáng tối ưu cho các “thân cây”. Máy tính đang được dùng để mô phỏng nhằm đưa ra các thông tin cho dự án này.
Theo Thanh niên, Gizmag