“Dắt mũi” chồng đâu phải là dễ bởi đàn ông sinh ra đã được mệnh danh là sinh-vật-lười-nhất-thế-gian. Dù biết vợ đang hì hụi lo toan tất bật chuẩn bị hội hè, tiệc tùng quan trọng cho cả gia đình, nhiều ông chồng vẫn “phỉnh phờ” ngồi rung đùi chiễm chệ.
Những lúc như thế, chị em không nên cằn nhằn, chì chiết. Hãy thử tham khảo 7 nguyên tắc dưới đây, biết đâu có thể khiến đức lang quân bớt lười.
-
1
Rơi xuống hào sâu, thôi đừng đào nữa
Bạn đã dùng nhiều cách mà chồng vẫn “y văn nguyên,” chưa chịu nhúc nhích? Vậy thì phải áp dụng ngay giải pháp khác. Thế nhưng chị em cứ thích “lối cũ ta về” với “bài cải lương tủ” nhồi vào tai chồng ngày này, tháng khác khiến nhiều ông tỏ ra bức bối, khó chịu và càng muốn lười hơn kiểu “điếc không sợ súng” để dằn mặt chơi. Kinh nghiệm cho thấy, chị em nên sớm “tắt loa,” ngừng chiêu ca thán, âm thầm làm việc, đảm bảo không khí gia đình sẽ dần thay đổi, vì khi thấy vợ nhọc công như thế, chả nhẽ chồng lại quá vô tình?
Kết quả: Không những cải thiện được “bệnh lười” của chồng mà còn giúp bạn khám phá về năng lực sửa đổi của bản thân. Mỗi khi chuẩn bị “lên dây cót máy phát sóng,” bạn tự ý thức cắn chặt lưỡi mà “ngậm hột thị”. Có thế mới hiểu cảm giác “cần chỉnh tông” phá vỡ thói quen truyền kiếp hoàn toàn không dễ chút nào.
-
2
Thương lượng cùng đồng hành hợp tác
Đa số chị em cằn nhằn vì tức tối cảnh ỷ lại việc nhà mà chồng đổ dồn cho vợ. Nghĩ kĩ thì như thế cũng tốt, vì bạn có cơ hội nắm rõ mọi hoạt động trong gia đình (như giờ thể dục của con gái, tên thầy giáo dạy con trai….) Nhưng nếu không đủ thời gian và muốn chồng chia sẻ, nên biết chọn thời điểm vui vẻ để “thương thảo” phân công rõ nhiệm vụ phù hợp với mỗi người. Chẳng hạn, bạn lo bếp núc, chợ búa, chồng lo đưa đón con và dạy các bé học bài buổi tối. Hãy để chồng tự nguyện hoàn thành “sứ mệnh” theo cách riêng của chồng, chứ đừng phàn nàn và hi vọng chồng phụ giúp nhiều hơn.
Kết quả: Thực hiện trên tinh thần hợp tác bền lâu “đôi bên cùng cố gắng”. Hỗ trợ chồng phối hợp nhịp nhàng sẽ tốt hơn là liên tục nhắc nhở, hối thúc, chồng đâm ra bực tức.
-
3
Học cách nói “không” với chồng
Bạn cằn nhằn vì cho rằng “mưa dầm thấm lâu” chồng sẽ dần ngấm sâu bài học? Tuy nhiên, những lời bạn nói chẳng khác gì nước đổ lá khoai, thậm chí đôi khi còn phản tác dụng nếu tai chồng đau rát. Đàn ông vốn có nhiều sở thích trái khoáy với đàn bà, như thích xem bóng đá, thích la cà quán xá rượu bia với bạn bè, thích chiêm ngưỡng những đường đua công thức 1 và cũng thích vợ hãy ngừng “phát sóng”. Chồng có thể đưa ra 1001 lý do để trì hoãn nhiệm vụ, bạn không nên nói quá nhiều, chỉ cần nhỏ nhẹ “Thôi anh ơi, còn nhiều dịp để xem mà!” hoặc “Có vẻ anh không hào hứng lắm!” hay “em muốn biết ý anh ra sao?”
Kết quả: Biết được vị trí của bạn sau tiếng nói “không” rồi tiếp tục thỏa hiệp để tiết chế chồng.
-
4
Luôn ca ngợi khi chồng hoàn thành nhiệm vụ
Đàn ông không thích bị vợ phê bình liên tục vì họ cho rằng phụ giúp việc nhà chừng ấy với họ là đủ. Vì thế, bạn nên ca ngợi khi chồng hoàn thành nhiệm vụ, chứ đừng xụ mặt nhăn nhó “anh lại quên cắt thịt cho con rồi.” Thay vào đó, tập nói lời cảm ơn “ông xã chu đáo thế!” và khéo léo nhắc nhở “nhưng không cắt thịt nhỏ ra, em sợ con không ăn được. Lần sau ông xã nhớ cắt nhé!”
Kết quả: Ca ngợi cũng là một nghệ thuật, khích lệ đàn ông nhiều hơn, giúp họ có thêm động lực hợp tác.
-
5
Biết nói lời xin lỗi
… sau mỗi lần cằn nhằn “không đúng chỗ” để giữ bầu không khí ôn hòa. Chẳng hạn như “em xin lỗi vì đã la anh chuyện không dọn dẹp phòng. Chắc anh cũng cảm thấy khó chịu. Em hứa sẽ không cằn nhằn chuyện đó nữa.” Nhưng thêm vào đó, bạn cần chỉ ra nguyên nhân “Ngày kia mẹ lên chơi rồi, dọn phòng mới có chỗ ngủ chứ!” Chắc chắn, chồng sẽ thấu hiểu và thấy cần thiết phải thực hiện ngay.
Kết quả: Khi chấp nhận lời xin lỗi, chồng bạn sẽ chú ý hơn và bắt đầu nhiệm vụ
-
6
Đưa ra những lựa chọn khác nhau
Khi muốn chồng phụ giúp, bạn nên đưa ra một số giải pháp để chồng hưởng ứng lựa chọn, ví dụ như “Hôm nay anh đón con hay chạy đi mua quà tặng cu Bi hàng xóm?” Lúc này chồng biết rõ là mỗi người mỗi việc, nên buộc phải thực hiện 1 trong 2 nhiệm vụ mà không thể phân bì.
Kết quả: Ai cũng có việc để làm.
-
7
Vui vẻ bên nhau
Nhiều cặp vợ chồng sống kiểu “chồng chúa, vợ tôi” biến vợ thành “osin cao cấp” dẫn đến mâu thuẫn – xung đột, phân bì chuyện nhà và nuôi dạy con cái. Nên thường xuyên tổ chức bữa ăn gia đình, gặp mặt bạn bè để cùng chung tay “vun đắp,” tạo không khí gần gũi, hỗ trợ nhau hơn. Khi cùng chuẩn bị đồ ăn, trang trí, vợ chồng sẽ có những đồng cảm, tương hỗ trong cuộc sống. Đôi khi nên kể chuyện hài, tiếp tục tán tỉnh, trao nhau cử chỉ và lời nói yêu thương hoặc làm một điều bất ngờ (như tặng quà, rủ đi cà phê, ăn tối…) để hâm nóng tình yêu và dễ bề “nhờ vả.”
Kết quả: Gia đình là cái nôi ươm trồng tình yêu thương, nên khi sống vui vẻ, mới duy trì được hạnh phúc bền lâu.
>> Nên làm gì khi chồng không nghe lời vợ?