Tuyết rơi trên sao Hoả

Các nhà khoa học ĐH York, Canada hôm 4/7 công bố kết quả một nghiên cứu rằng, mỗi sáng sớm trên hành tinh Đỏ đều có tuyết rơi từ các đám mây nhẹ và mỏng, mà trên trái đất chúng ta thường gọi là mây ti.

 

Hình ảnh gửi về từ tàu Phoenix cho thấy bề mặt sao Hỏa ban đêm được bảo phủ bởi một lớp mỏng băng tuyết.

Sau khi nghiên cứu dữ liệu mà tàu thăm dò Phoenix gửi về, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện nhiều đám mây trắng và hạt tinh thể nước trên sao Hỏa.

Dữ liệu từ tàu Phoenix cũng cho biết, ban ngày, không có các đám mây trên khí quyển sao Hoả ngoài bụi cát. Tuy nhiên, từ nửa đêm khi nhiệt độ xuống dưới 0oC, các đám mây chứa tinh thể băng được hình thành gần sát bề mặt và rơi xuống.

Giáo sư Jim Whiteway, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi tìm thấy nhiều đám mây chứa băng và mưa tuyết giống trái đất một cách đáng ngạc nhiên. Thậm chí, còn nhiều hơn so với dự kiến”. Theo giáo sư Whiteway, việc này sẽ giúp các nhà khoa học hiểu nhiều hơn về chu trình tuần hoàn nước trên hành tinh Đỏ.

Tàu thăm dò Phoenix, sử dụng thiết bị tìm kiếm (LIDAR) do Canada chế tạo, năm 2008 đã hoạt động hơn 5 tháng tại cực Bắc sao Hỏa. Phonenix phát hiện ra dấu hiệu của nước trên sao Hỏa từ tháng 9/2008 trước khi kết thúc sứ mệnh vào tháng 11/2008.

 

Theo Báo Đất Việt (CBC)