Ukraina kỷ niệm 25 năm thảm họa Chernobyl

Hôm nay, hàng loạt sự kiện diễn ra Ukraina đánh dấu 25 năm thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới tại nhà máy Chernobyl, trong bối cảnh thế giới lo ngại phóng xạ sau vụ Fukushima 1.


Một cậu bé chỉ vào bức ảnh của bà mình tại tấm bia tưởng niệm nạn nhân trong vụ Chernobyl ở Slavutich, Ukraine. Ảnh: AFP.

Lễ tưởng niệm bắt đầu vào nửa đêm qua tại Kiev, khi Giáo trưởng Kirill – người đứng đầu Nhà thờ Chính thống giáo – rung hồi chuông đúng vào thời điểm xảy ra vụ nổ Chernobyl ngày 26/4/1986. Tiếp đến, ông và Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych cùng thắp nến tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong thảm họa.

Hôm nay, Tổng thống Viktor Yanukovych sẽ cùng người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev tới thăm Chernobyl và tham gia các hoạt động tưởng niệm tại đây.

Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 tại nhà máy Chernobyl phát nổ, làm phóng xạ lan khắp châu Âu và giết chết ít nhất 30 người ngay sau đó. Hàng loạt người khác qua đời do mắc các bệnh liên quan tới phóng xạ và con số này đến nay vẫn còn gây tranh cãi.

Thảm hoạ hạt nhân Chernobyl cũng khiến hàng trăm nghìn người phải sơ tán khỏi nơi ở tại Ukraina, miền tây nước Nga và Belarus. Hiện vẫn còn khu vực cấm rộng 30 km quanh nhà máy.

Các kỹ sư đã dựng lên một vỏ bọc bê tông bao quanh lò phản ứng bị hỏng nhằm ngăn chặn phóng xạ rò rỉ, nhưng các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần phải xây dựng một lớp vỏ mới. Sự kiện gây quỹ tại Kiev, Ukraina cuối tuần trước đã thu được 798 triệu USD để xây dựng một lá chắn mới và một nhà máy lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng.

Ngày tưởng niệm thảm họa Chernobyl diễn ra chưa đầy hai tháng sau khi nhà máy hạt nhân Fukushima 1 của Nhật Bản bị hư hỏng nặng nề sau trận động đất và sóng thần hôm 11/3, càng gây thêm nỗi lo về an toàn hạt nhân trên toàn cầu.

Hàng nghìn người tại Pháp và Đức hôm qua biểu tình đòi chấm dứt năng lượng hạt nhân. Những người tham gia giơ các biển hiệu phản đối hạt nhân và đồng loạt hô to: “Chernobyl, Fukushima, không bao giờ nữa!”. Trong khi đó tại Ấn Độ, an ninh cũng được thắt chặt tại Jaitapur, nơi những người biểu tình dự đình tuần hành tại khu vực chuẩn bị xây nhà máy hạt nhân gồm 6 lò phản ứng.

 

Theo Vnexpress