Nguyên nhân gây ung thư đại tràng
Cũng như nhiều loại ung thư khác, các bác sĩ cũng chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân chính xác gây ung thư đại tràng. Nhưng phần lớn là do chế độ ăn uống thiếu khoa học, quá nhiều chất béo, ít chất xơ. Bên cạnh đó là nguyên nhân do cuộc sống bận rộn, áp lực công việc, lười vận động và môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, những người có người thân bị ung thư đại tràng thì khả năng mắc bệnh cao gấp 2 – 3 lần so với người không có tiền sử gia đình bị ung thư.
Chế độ ăn nhiều chất béo là 1 trong những nguyên nhân gây bệnh
Biểu hiện của ung thư đại tràng
Biểu hiện đầu tiên của ung thư đại tràng chính là táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, chướng hơi, tiêu hóa kém, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Tiếp theo là các triệu trứng chán ăn, khó tiêu. Nặng hơn nữa là đại tiện ra máu, phân đen và mỏng, hẹp hơn so với bình thường. Các triệu chứng này rất dễ nhầm với bệnh rối loạn tiêu hóa, nhưng nếu nó diễn ra 1 cách thường xuyên và liên tục, thì rất có thể là biểu hiện của ung thư đại tràng.
Bên cạnh đó, nếu bạn bị sút cân không rõ lý do hoặc thường xuyên mệt mỏi, thấy kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi, đồng thời suy nhược cơ thể một cách nhanh chóng mà không rõ nguyên nhân thì cũng cần thăm khám kịp thời để phát hiện sớm bệnh.
Rối loạn tiêu hóa thường xuyên là biểu hiện đầu tiên của ung thư đại tràng
Điều trị ung thư đại tràng như thế nào?
Tùy vào kích thước, vị trí, phạm vi của khối u và tình trạng sức khỏe chung của bệnh nhân mà có những cách điều trị riêng. Phẫu thuật là phương pháp phổ biến nhất để điều trị. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ khối u cùng với một phần đại tràng hoặc trực tràng và các hạch lân cận.
Phương pháp điều trị tiếp theo là hóa trị liệu: Sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể sau phẫu thuật, kiểm soát sự phát triển của khối u hoặc để giảm bớt triệu chứng của bệnh.
Một phương pháp phổ biến khác là tia xạ trị liệu, còn được gọi là phương pháp phóng xạ, sử dụng tia X có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư ngay tại chỗ. Có thể sử dụng tia xạ trị liệu trước khi phẫu thuật (để làm khối u co lại và dễ dàng cắt bỏ hơn) hoặc sau khi phẫu thuật (để tiêu diệt tất cả tế bào ung thư còn sót lại trong vùng điều trị).
Ngoài ra còn 1 phương pháp nữa là liệu pháp sinh học, còn được gọi là liệu pháp miễn dịch, sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Hầu hết các loại thuốc sử dụng trong liệu pháp sinh học được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch.
Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần 2 – 3 ngày để phục hồi vết mổ. Trong thời gian đầu nên cho người bệnh dùng cháo, nước trái cây và các loại thức ăn dễ tiêu hoá. Chú ý không nên cho người bệnh uống sữa bởi uống nhiều sữa sau mổ đại tràng có thể khiến người bệnh gặp các triệu chứng như tiêu chảy hoặc chuột rút. Khi bệnh dần bình phục, chế độ ăn cần hạn chế chất béo động vật và nên chuyển sang dùng dầu oliu, dầu lạc. Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung chất xơ, các vitamin và nguyên tố vi lượng cần thiết.
Người bệnh cũng nên tập đi lại sớm, được hướng dẫn kĩ về cách chăm sóc răng miệng, cách tắm trước mổ và sau khi mang túi chứa, đồng thời giữ vệ sinh bộ phận sinh dục. Người nhà cần tập cho bệnh nhân làm quen dần với hậu môn nhân tạo, cách sử dụng túi chứa, cách theo dõi để phát hiện các biến chứng.
Mặc dù tỉ lệ tử vong của ung thư trực tràng rất đáng lo ngại, nhưng nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ được chữa khỏi lên tới 90%. Vì vậy chúng ta cần nắm rõ các kiến thức về bệnh cũng như thăm khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời điều trị nếu mắc phải.
Kiều Oanh
Xem thêm video: 5 sự thật ‘kinh hoàng’ về thủ dâm ở nam giới