Vải siêu bền

Vải siêu bền

Telegraph cho biết, các nhà khoa học của Đại học Thực nghiệm London, Anh hợp tác với các nhà thiết kế của Đại học Hội họa và Thiết kế Saint Martins, Anh để chế tạo một loại vật liệu siêu nhẹ, siêu bền dành cho ngành thời trang.

Vải siêu bền

Để tạo ra loại vải mới, các nhà khoa học trộn trà xanh, đường và nhiều dưỡng chất khác vào nhau trong nhiều ngày. Sau đó họ cho vi khuẩn Acetobacter vào hỗn hợp để chúng tạo ra những sợi cellulose. Sau ba tuần các sợi cellulose liên kết với nhau thành những màng mỏng trên mặt hỗn hợp.

Khi đem sấy khô, các màng mỏng trở thành loại vải trong suốt và có hình dạng giống hệt giấy cói. Tuy nhiên, nó có kết cấu bề mặt giống hệt da thuộc và dai đến nỗi người ta khó có thể xé nó.

Giáo sư Paul Freemont, một nhà sinh học phân tử tại Đại học Thực nghiệm London, phát biểu: “Vi khuẩn có thể tạo ra những sợi cellulose và những sợi đó kết thành tấm vải nổi lên mặt dung dịch. Phương pháp này tạo ra những miếng vải có kiểu sắp xếp ngẫu nhiên và không đều. Vì thế chúng tôi đang nghiên cứu để tìm ra những cách khiến các sợi sắp xếp đều hơn”.

Suzanne Lee, một nhà thiết kế của Đại học Hội họa và Thiết kế Saint Martins, đã sử dụng loại vải mới để may áo sơ mi, áo khoác, trang phục dạ hội và giầy.

Freemont và giáo sư Alexander Bismarck, một chuyên gia về vật liệu của Đại học Thực nghiệm London, đang nghiên cứu những kỹ thuật giúp các vi khuẩn khác cũng có thể tạo ra sợi cellulose. Họ cho rằng vi khuẩn Acetobacter tạo ra sợi cellulose nhờ một số gene nào đó. Nếu có thể tìm ra các gene này rồi đưa vào cơ thể những vi khuẩn khác thì chúng cũng sẽ tạo ra sợi cellulose. Bằng cách đó các nhà khoa học có thể tạo ra loại vải mới với số lượng lớn và thậm chí còn đưa thêm nhiều đặc tính mới vào vải. Mặc dù vậy, giáo sư Freemont cũng thừa nhận các nhà nghiên cứu còn phải vượt qua nhiều thách thức trước khi vải từ lá trà xuất hiện trên các đường phố.

 

Theo VnExpress