Vật liệu cách nhiệt từ bào tử nấm

Sinh viên vừa tốt nghiệp Viện nghiên cứu bách khoa Rensselaer ở New York (Mỹ), Eben Bayer, đã nhận được bằng sáng chế chất cách nhiệt hữu cơ thân thiện với môi trường. Sản phẩm được chế tạo từ nước, bột, chất khoáng và bào tử nấm để thay thế cho chất cách nhiệt thường làm bằng mốp vốn có chi phí sản xuất cao và có hại cho môi trường.

Hỗn hợp mốp polystyrene và polyurethane thường được dùng làm chất cách nhiệt nhưng quá trình sản xuất đòi hỏi phải sử dụng xăng dầu và khi không còn sử dụng được, nó không thể tự phân hủy.

Theo học cả hai chuyên ngành cơ khí và thiết kế phát minh sản phẩm cùng với kiến thức về đất đai và nuôi trồng nấm từ cha, Bayer đã nghĩ ra phương pháp dùng bào tử nấm trong quá trình tạo chất cách nhiệt.

Chất liệu mới này được tạo ra bằng cách đổ hỗn hợp các chất cách nhiệt, nước ôxy già, tinh bột và nước vào một tấm khuôn. Các bào tử nấm đổ vào khuôn sẽ thẩm thấu nước tạo nên các mắc lưới rất nhặt và hình thành tấm nhựa hữu cơ (ảnh), có thể cạnh tranh với R-Value – chất liệu có khả năng chịu nhiệt như bức tường lửa.

Phát minh của Bayer được các chuyên gia đánh giá cao. Ngoài ưu điểm cách nhiệt tốt, nó còn giúp tiết kiệm năng lượng,có chi phí sản xuất thấp và bảo vệ môi trường, có thể thay thế các chất cách nhiệt tổng hợp truyền thống như mốp hay sợi thủy tinh.

G.H.T

 

Theo Science Daily, Báo Cần Thơ